Dự kiến, cuối tháng 1/2018, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) sẽ hoàn thành việc xây dựng phương án hỗ trợ cho các ngư dân Bình Định có tàu vỏ thép bị hư hỏng.
Ngày 19/12, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết Sở nhận được văn bản của công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) về việc đền bù và hỗ trợ thiệt hại cho các tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67 bị hư hỏng, phải nằm bờ sửa chữa.
Theo văn bản, Công ty Nam Triệu đã báo cáo với các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật (Bộ Công an) xin ý kiến về việc hỗ trợ theo yêu cầu của ngư dân.
Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành rà soát, thống kê các khoản đã bồi thường, hỗ trợ ngư dân; xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết giải quyết hỗ trợ cho ngư dân, đảm bảo có tình, có lý, đúng các quy định và trên cơ sở hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa các bên. Dự kiến, thời gian hoàn thành vào cuối tháng 1/2018.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Nam Triệu hoàn tất việc sửa chữa, lắp máy mới 11 tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân Bình Định (trong đó 9 tàu đã bàn giao) và tiếp tục sửa chữa 4 tàu vỏ thép tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa), dự kiến sẽ hạ thủy vào cuối tháng 12/2017.
Trước đó, ngày 5/12, Sở NN&PTNT Bình Định có văn bản yêu cầu công ty Đại Nguyên Dương đền bù và hỗ trợ cho 5 chủ tàu với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng; công ty Nam Triệu đền bù và hỗ trợ cho 14 chủ tàu với số tiền hơn 36,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đề nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét lại các khoản bồi thường từ phía ngư dân và cho rằng công ty đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nên sẽ không bồi thường cho các chủ tàu.
Theo ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Công ty Đại Nguyên Dương không chịu bồi thường cho các ngư dân là không đúng pháp luật.
“Chúng tôi đang yêu cầu Sở NN&PTNT mời công ty này vào làm việc lại một lần nữa. Việc này là không chấp nhận được, nói gì thì nói chứ theo luật thì họ phải đền bù cho ngư dân. Sau khi Sở làm việc, thì chúng tôi sẽ có buổi làm việc trực tiếp với phía công ty để đi đến quyết định. Nếu công ty vẫn từ chối bồi thường thì chủ tàu sẽ kiện ra tòa để đòi quyền lợi và các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ pháp lý cho các chủ tàu”- ông Châu cho hay.
Hàng loạt tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ do 2 cơ sở đóng tàu trên hạ thủy chưa lâu đã bị hư hỏng nặng, nằm bờ không hoạt động được, khiến ngư dân lao đao, nợ nần chồng chất. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và phát hiện nhiều lỗi tại hệ thống của tàu; đồng thời, yêu cầu 2 công ty đóng tàu khẩn trương sửa chữa, khắc phục các tàu bị hư hỏng để ngư dân sớm ra khơi.
Văn Duy
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…