Bị cáo Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu trong vụ thiết bị robot bị nâng khống gấp nhiều lần, song ông khẳng định “không vụ lợi, hoàn toàn vì lợi ích của người bệnh cũng như bệnh viện”; việc nhận quà biếu của doanh nghiệp là “theo truyền thống ngày Tết”.
Ngày 20/1, TAND Hà Nội mở phiên xét xử ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng 7 đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự.
8 bị cáo gồm: ông Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền (phó giám đốc, Bệnh viện Bạch Mai), Trịnh Thị Thuận (cựu kế toán trưởng, Bệnh viện Bạch Mai) và Lý Thị Ngọc Thủy (cựu phó trưởng Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Bạch Mai); Phạm Đức Tuấn (cựu chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS), Ngô Thị Thu Huyền (cựu phó Công ty BMS), Trần Lê Hoàng (cựu thẩm định viên Công ty VFS) và Phan Minh Dung (cựu tổng giám đốc Công ty VFS).
Ông Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Ngọc Hiền bị tạm giam, các bị cáo khác được tại ngoại. Bị cáo Lý Thị Ngọc Thủy có đơn xin xét xử vắng mặt.
12 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó có luật sư của bị cáo Ngô Thị Thu Huyền xin vắng mặt do mắc COVID-19.
HĐXX cũng triệu tập đại diện Bệnh viện Bạch Mai, Công ty VFS và một số người có quyền nghĩa vụ liên quan. Ba bệnh nhân và người nhà có mặt tại phiên xét xử với tư cách bị hại.
Theo cáo trạng của VKS, quá trình triển khai thực hiện đề án, ký hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, bị cáo Quốc Anh cùng các bị cáo khác đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Các bị cáo Trần Lê Hoàng, Phan Minh Dung bị xác định đã cấp chứng thư thẩm định giá xác định giá Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não 39 tỷ đồng trái quy định, tạo điều kiện cho Công ty BMS tham gia liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai triển khai lắp đặt Robot Rosa với giá trị 39 tỷ đồng không đúng thực tế.
Là người đầu tiên trả lời xét hỏi trong phiên toà sáng nay, ông Nguyễn Quốc Anh thừa nhận có sai phạm như cáo buộc, với tư cách đứng đầu bệnh viện.
Ông Quốc Anh khai trước khi thực hiện đề án liên danh liên kết, ông không hề quen biết Tuấn. Đến tháng 5/2016, khi cấp dưới của ông đưa Tuấn đến gặp, đề nghị việc mua hai hệ thống robot Rosa và robot Mako thì ông mới biết Tuấn.
Tuy nhiên, sau khi ông thảo luận với các cán bộ khác ở bệnh viện, nhận thấy chi phí quá lớn nên thống nhất không mua. Dù vậy, ông Quốc Anh vẫn mong muốn các khoa có được thiết bị này để cứu chữa cho người bệnh.
“Tôi nghe cấp dưới trong viện kể từng sang Singapore để chữa trị ung thư, chi phí hết hơn 1 tỷ đồng chưa kể tiền ăn ở. Nhưng nếu mang được 2 robot này về, mỗi bệnh nhân sẽ chỉ phải trả 150 triệu đồng, không phải sang nước ngoài điều trị”, ông Quốc Anh nói.
Khi quyết định hợp tác với BMS, ông cho biết không chỉ mời công ty độc lập thẩm định giá, còn cử 2 cấp dưới sang Pháp khảo sát giá nên “rất yên tâm”. Các nơi trên thế giới bán xấp xỉ trên dưới 2 triệu đô (hơn 40 tỷ đồng).
Theo ông Quốc Anh, trong cuộc họp Hội đồng khoa học, các giáo sư đầu ngành đã thông qua chủ trương trên, đều thông báo rõ BMS là đối tác của nhiều đơn vị. Lúc này BMS là công ty phân phối độc quyền sản phẩm.
Theo quy định thông thường, khi liên kết các dự án tương tự, doanh nghiệp hưởng 70% lợi nhuận, bệnh viện 30%. “Nhưng riêng lần này, chúng tôi thoả thuận được với BMS để Bạch Mai được hưởng tới 50%. Sau 7 năm máy sẽ hoàn toàn là của bệnh viện, không phải chịu khấu hao nữa nên giá điều trị sẽ rất rẻ. Chúng tôi rất mừng”, ông nói.
“Trong vụ án này, bị cáo có sai phạm gì không?”, chủ toạ hỏi. “Tôi có sai phạm, tôi là người đứng đầu, phân công cho các bộ phận chức năng. Các bộ phận này triển khai thì tôi ký. Việc này tôi có trách nhiệm”, bị cáo Quốc Anh trả lời và khẳng định “việc lắp đặt máy là để bệnh nhân không phải ra nước ngoài chữa bệnh, bản thân không vụ lợi, hoàn toàn vì lợi ích của người bệnh cũng như bệnh viện”.
Tại phiên tòa, chủ tọa Chử Phương Ngọc chất vấn về 100 triệu đồng và 10.000 USD mà ông Quốc Anh nhận của BMS. Bị cáo thừa nhận có cầm số tiền trên, song quan niệm “đó chỉ là quà lễ Tết theo truyền thống”. Toàn bộ số tiền, ông cũng không giữ lại mà đưa lại thư ký “chia đều cho các bộ phận”.
“Trong quá trình làm việc với các điều tra viên, tôi nhận thức được đó là số tiền không chính đáng cho nên đã cùng với gia đình khắc phục”, bị cáo Nguyễn Quốc Anh khai trước tòa.
Theo tài liệu truy tố, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…