Bị cáo Đặng Văn Hiến đã viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, giảm án tử sau khi bị TAND Tối cao TP HCM tuyên án tử hình về tội giết người.
Chiều tối 13/7, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết bị cáo Đặng Văn Hiến – người bị TAND Tối cao tại TP. HCM tuyên án tử hình về tội giết người đã có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, miễn giảm tội tử hình.
Trong đơn, bị cáo Hiến viết: “Bản thân tôi là người dân tộc thiểu số, nghèo khó từ Lạng Sơn vào Đắk Nông và phải ở nơi sơn cùng để tìm kế sinh nhai. Lúc thực hiện hành vi phạm tội, tôi đã định kết liễu đời mình nhưng được người dân động viện để ra đầu thú, nhận sự khoan hồng của pháp luật. Chính lúc ra đầu thú, các chiến sĩ công an cũng rơi nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh của gia đình tôi. Các anh động viên tôi về chính sách khoan hồng của nhà nước”.
Trong đơn, bị cáo Hiến cầu cứu Chủ tịch nước, TAND Tối cao xem xét quá trình, hoàn cảnh phạm tội của mình.
Theo bị cáo Hiến, Công ty Long Sơn đã nhiều lần tổ chức nhiều đợt càn quét, phá rẫy, nhà của người dân gây thiệt hại nhiều cây trồng.
Ngày 23/10/2016, Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó giám đốc Công ty Long Sơn) và Phan Công Thiện (Quản lý công ty), đã tổ chức lực lượng gồm 34 người mang theo hung khí, áo giáp cùng các phương tiện cơ giới vào phá tài sản của gia đình bị cáo.
Trước hành động của Công ty Long Sơn và nguy cơ cả gia đình phải ra đường sống, bị cáo đã bức xúc dùng súng thể thao chống lại. Vụ việc gây hậu làm 3 người chết, 13 người bị thương.
Bị cáo Hiến cho rằng hành vi phạm tội của mình là rất nghiêm trọng, gây ra sự đau thương cho các gia đình các bị hại. Tuy nhiên, bị cáo cũng cho rằng, vì bị công ty Long Sơn đẩy vào bước đường cùng nên bị cáo mới có hành động như vậy.
Bị cáo Hiến cũng cho biết thêm sau phiên tòa xét sử sơ thẩm và tại phiên phúc thẩm, đại diện gia đình các nạn nhân cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho mình. Mặc dù gia đình khó khăn nhưng bị cáo đã tác động gia đình bồi thường thêm cho người thân các bị hại.
Do đó, bị cáo Hiến xin Chủ tịch nước được một lần “tái sinh” trong cuộc đời và hứa sẽ là một công dân tốt, để con của bị cáo không mất cha, vợ của bị cáo không mất chồng.
“Chỉ còn vỏn vẹn 7 ngày nữa, tôi đang nằm trong ranh giới sự sống và cái chết, dù còn chút hy vọng mong manh trong thời khắc này, tôi vẫn mong các cấp thấu hiểu được bản chất sự việc vì tôi cũng là nạn nhân”, đơn của bị cáo Hiến trình bày.
Theo Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án sẽ được gửi ngay lên Chánh án TAND tối cao và bản án được gửi ngay lên Viện trưởng VKS nhân dân tối cao.
Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKS nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Việc này không tùy thuộc vào việc người bị kết án có viết đơn hay không viết đơn.
Khi có đơn xin ân giảm của người bị kết án tử hình, Chánh án TAND tối cao phải trình lên Chủ tịch nước ý kiến của mình về đơn xin ân giảm của người đó. Tùy trường hợp cụ thể, Chánh án TAND tối cao có thể đề nghị với Chủ tịch nước ân giảm hay bác đơn xin ân giảm của người bị kết án tử hình.
Trường hợp Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình thì bản án tử hình được thi hành, trường hợp được ân giảm thì hình phạt tử hình được chuyển thành hình phạt tù chung thân.
Tuấn Minh
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…