Với việc đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh không thiết yếu (quán nhậu, karaoke, bar, vũ trường, rạp phim, trung tâm tiệc cưới…) và hạn chế tập trung quá 20 người từ 12h ngày 9/2 (28 Tết), TP.HCM chính thức bước vào giai đoạn giãn cách xã hội toàn TP sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát bất thường tại đây.
Từ một người nhiễm virus Vũ Hán được phát hiện qua tầm soát toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, trong 3 ngày (6-8/1) thêm 29 người nhiễm bệnh được phát hiện, sinh sống rải rác tại 7 quận/huyện trong TP, gây nguy cơ dịch lan rộng.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết qua phân tích chuỗi lây nhiễm ở các bệnh nhân 1979, 2002, 2003, 2004, 2005, thành phố nhận định 25 ca nhiễm mới ghi nhận hôm 8/2 là tiếp xúc gần (F1) của 5 bệnh nhân trên. Đáng chú ý, có 6 nhân viên trong nhóm bốc dỡ có xét nghiệm âm tính nhưng có người nhà dương tính.
Họp khẩn vào sáng 8/2, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch của TP.HCM khá phức tạp vì ổ dịch trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm và hiện chưa xác định được điểm khởi đầu của đợt dịch này, tức chưa thể khoanh trúng ổ dịch như tại Hải Dương, Quảng Ninh.
Nhóm nhân viên bốc xếp hàng hóa tại sân bay có thể không phải điểm lây nhiễm đầu tiên, mà dịch “có thể khởi nguồn từ các ca xuất hiện trước đây”, trong khi “sự giao lưu của nhóm người này [nhóm nhân viên] với cộng đồng dân cư tại TP.HCM là rất lớn.” , Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho hay.
Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng ra toàn thành phố, chiều 8/2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định từ 12h ngày 9/2, dừng hoạt động tất cả quán nhậu, karaoke, bar, vũ trường, rạp phim, massage, thẩm mỹ viện, phòng tập gym, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử; các trung tâm tiệc cưới; phòng trà, sân khấu – kịch, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh thể thao, yoga, phòng tập gym, bida… tại TP.
TP dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên ở các cơ sở tôn giáo, thờ tự. Các hoạt động tại đường hoa, đường sách Tết trên đường Nguyễn Huệ sẽ không tổ chức lễ khai mạc và chỉ mở cửa từ 8h đến 17h.
Các cơ sở được hoạt động gồm: cửa hàng xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu, dược phẩm, cơ sở khám chữa bệnh nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc ngừa bệnh theo quy định của cơ quan y tế. TP sẽ xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đây là lần thứ hai TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội kể từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu bùng phát tại Việt Nam (tháng 1/2020), điều được hết sức tránh do gây nên nhiều tổn thất kinh tế sau lần giãn cách xã hội toàn quốc (từ ngày 28/3 đến hết 15/4/2020). Các quy định về giãn cách trên được TP đưa ra thống nhất với các quy định tại mục 2 Chỉ thị 15/CT-TTg (trừ nội dung về hoạt động vận tải, giao thông công cộng) (xem nội dung quy định).
Sau 30 ca nhiễm xảy ra tại 7 quận/huyện trong cộng đồng dân cư, giới hữu trách công bố Sở Y tế TP chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức độ khẩn cấp.
Theo diễn biến hiện tại, toàn bộ 1.600 nhân viên làm việc tạo công ty bốc xếp được xét nghiệm lần 2 vào tối 8/2. Đồng thời, trong đêm 8/2, rạng sáng 9/1, TP lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 1.800 y bác sĩ, nhân viên, người lao động tại Bệnh viện 175. Đây là nơi bệnh nhân 1979 (nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất) và bệnh nhân 1980 (em trai của nhân viên trên) từng đến trước khi được phát hiện mắc COVID-19.
Song song với việc khoanh vùng dịch tễ (phong tỏa), tất cả F1 được đưa đi cách ly tập trung, F2 cách ly nghiêm ngặt tại nơi cư trú. TP lấy mẫu đơn đối với tất cả các ca tiếp xúc gần F1 và mẫu gộp đối với hộ gia đình ở trong khu vực lây nhiễm.
Đặc biệt khu Mả Lạng (nơi ở của bệnh nhân 2005) gây lo ngại khi dù bệnh nhân được xác định không tiếp xúc nhiều người nhưng đây là khu vực có lối đi nhỏ hẹp nên cơ quan y tế nhận định nguy cơ lây nhiễm khá cao. Toàn bộ khu vực với khoảng 1.900 nhân khẩu được yêu cầu phong tỏa, lấy mẫu khẩn cấp (lấy mẫu gộp theo hộ gia đình) trong ngày 8/2 theo chỉ đạo của BS. CKII. Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.
Tính đến 22h đêm 8/2, 18 khu vực tại TP.HCM phải phong tỏa, tại 5 quận, 1 TP: quận 1, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình và TP Thủ Đức.
|
——-
Sáng 9/2, UBND TPHCM ra văn bản khẩn yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện, nâng một bước kiểm soát đối với khu vực có ca bệnh. Cụ thể, khu vực có ca bệnh sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (xem nội dung quy định), các khu vực lân cận xung quanh thì áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg (xem nội dung quy định).
Mặc dù vậy, như đã nói ở trên, các quy định về giãn cách áp dụng trên toàn TP do Chủ tịch TP đưa ra vào chiều 8/2 đã thống nhất với các quy định tại mục 2 Chỉ thị 15/CT-TTg (trừ nội dung về hoạt động vận tải, giao thông công cộng).
Ngoài các quy định về giãn cách đã nêu, chính quyền TP yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần tăng cường hình thức giao hàng tại nhà, không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, chỗ ngồi phải thông thoáng và có khoảng cách giữa 2 người từ 1m trở lên, khuyến khích lập vách ngăn trên bàn ăn giữa các khách hàng; các cơ sở phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Sở Công Thương được yêu cầu chủ động kiểm tra việc sản xuất và phân phối khẩu trang, không để xảy ra tình trạng khan hiếm; đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá.
Công an TP được giao tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh trái phép tại TP; đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.
Ngoài ra, với việc ngừa dịch trong thời điểm đặc thù là dịp Tết Nguyên đán, TP yêu cầu chính quyền các quận huyện và TP Thủ Đức yêu cầu toàn bộ người dân hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, họp mặt; khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang…
Riêng đối với các sự kiện Đường hoa và đường sách Tết Tân Sửu 2021, Hội hoa xuân Tao Đàn, Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7), ngoài giờ mở cửa từ 8-17h hàng ngày, ban tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện trên phải có biện pháp điều tiết để đảm bảo mật độ, giãn cách theo đúng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch.
Các trường hợp không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 (nguyên tắc 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) sẽ bị xử phạt, bao gồm cả trường hợp khách tham quan không đeo khẩu trang, kể cả tháo khẩu trang để chụp ảnh.
Thời gian thực hiện kể từ 12h ngày 9/2/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Cùng ngày, các Cộng đoàn giáo xứ và dòng tu tại TP.HCM được thông báo ngừng tổ chức thánh lễ ngày Chúa nhật từ ngày 9/2, theo yêu cầu của Tổng giáo phận TP.HCM.
Đây là lần thứ ba các nhà thờ ở TP.HCM phải ngưng thánh lễ nhằm tránh tập trung đông người để phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan, sau hai đợt dịch vào tháng 3 và tháng 7/2020.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
“Chuyên gia” Trung Quốc đề nghị WHO điều tra về nguồn gốc COVID-19 tại Mỹ
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…