Trong dự thảo (lần 2) Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được trình tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đưa ra đề xuất mới về vượt đèn vàng.
Tại Điều 12 của dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung quy định về tín hiệu đèn giao thông. Cụ thể, tín hiệu đèn giao thông có 3 màu gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có thể hiển thị thời gian hoặc không.
Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp.
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định.
Còn tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi như các quy định từ trước đến nay vẫn đang áp dụng.
Như vậy, so với dự thảo (lần 1) trình kỳ họp thứ 7, quy định về đèn vàng đã được điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung “tài xế đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn vàng sẽ được đi tiếp”.
Thảo luận tại hội trường hôm 23/5, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó đoàn Nam Định, phân tích trường hợp một số ngã tư không có bộ đếm giây, khi đến đường giao nhau, lái xe vừa chớm qua vạch dừng thì đèn vàng bật sáng. Lúc này họ sẽ rất khó xử, bởi nếu đi tiếp thì trái luật, đứng im cũng không được vì luật quy định đèn vàng phải dừng lại trước vạch, lùi để trở lại trước vạch cũng không được vì luật cấm lùi ở đường giao nhau.
Theo ông Dũng, trường hợp này người điều khiển phương tiện không có lỗi bởi “không biết trước hiệu lệnh”. Họ đã giảm tốc độ ở đèn xanh nhưng “không thể biết lúc nào đèn vàng sẽ bật sáng để dừng lại trước vạch”. “Tôi đề nghị cân nhắc quy định về đèn vàng cho hợp lý”, đại biểu Dũng nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phú Hiệp, cho rằng quy định đèn vàng dừng lại thì không khác gì so với đèn đỏ, không phù hợp với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ. Ông đề nghị giữ quy định “khi đèn vàng lái xe phải đi chậm và dừng trước vạch dừng, nếu đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), xe máy, xe mô tô, xe máy điện vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 0,6-1 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Còn xe ô tô và xe tương tự ô tô (bao gồm ô tô điện) vi phạm lỗi trên thì chủ phương tiện hoặc tài xế sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…