Đó là nhận định của PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa hóa, Trường ĐHQGHN khi nói về vụ việc một cơ sở sản xuất cà phê tại xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã dùng bột đen của pin con Ó để chế biến cà phê.
Ngày 17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49 – Công an tỉnh Đắk Nông) cho biết lực lượng chức năng phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT, UBND huyện Đắk R’lấp và xã Đắk Wer đã phát hiện cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer) sản xuất cà phê “bẩn” bằng cách nhuộm cà phê với chất bột đen trong cục pin con Ó.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin,… dùng để nhuộm đen cà phê.
Bước đầu, bà Loan khai nhận đã đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn,… Sau đó, bà Loan mua các cục pin về đập, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường.
Được biết, cơ sở chế biến này hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn.
Trước tác hại từ việc sản xuất cà phê bằng bột pin, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết việc làm này là cực kỳ nguy hại với sức khoẻ con người.
PGS.TS Côn phân tích pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào. Hành vi dùng bột màu đen trong pin pha vào cà phê sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại.
Cụ thể, pin chứa nhiều hóa chất, trong đó có chứa nhiều kim loại nặng như chì, magnesium, mangan,… rất độc hại đối với sức khoẻ. Mangan có mặt trong nước ở dạng ion hòa tan. Nếu ở hàm lượng nhỏ dưới 0,1 mg/lít, mangan không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hàm lượng mangan cao từ 1-5 mg/lít sẽ gây ra không ít ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể.
PGS.TS Côn cho hay mặc dù Mangan không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến sinh sản,… nhưng nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh. Nếu lượng Mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Khi hít phải Mangan với lượng lớn có thể gây hội chứng nhiễm độc ở động vật, gây tổn thương thần kinh.
Cũng theo PGS.TS Trần Hồng Côn, sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan trong thời gian dài, nhiễm độc Mangan từ nước uống làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc Mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Hồng Côn còn cho biết pin có chứa hàm lượng chì cao. Nhiễm độc chì có thể gây rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, biếng ăn, hay đau bụng từng cơn dữ dội kéo dài từ vài ngày đến vài giờ. Trường hợp nặng sẽ gây suy thận, viêm cơ tim, gây tổn thương não.
Hiện cơ quan chức năng, công an tỉnh Đắk Nông đang điều tra làm rõ vụ việc gây “chấn động” dư luận này.
Kim Long
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…