Theo kế hoạch, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được Bộ GTVT và Tổng thầu EPC cam kết thời gian chạy thử nghiệm vào ngày 1/10/2017. Tuy nhiên, dự án đang chậm tiến độ do tắc vốn, chưa kể mỗi ngày phải trả lãi ít nhất 1,2 tỷ đồng, chưa tính phần lãi phát sinh của số vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách Nhà nước.
Tại cuộc họp do Bộ GTVT tổ chức vào ngày 4/5, đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết mặc dù phần xây lắp, hoàn thiện nhà ga, khu depot của dự án đã cơ bản hoàn tất, nhưng phần đường ray, nền đường, hàng rào, đường nội bộ… lại đang chậm tiến độ. Nguyên nhân do thiếu vốn để chi trả cho nhà thầu.
Năm 2008, dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư với số vốn gần 552,86 triệu USD (8.769 tỷ đồng), trong đó, vốn vay của Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 133,86 triệu USD.
Vốn vay của Trung Quốc gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%.
Tuy nhiên, năm 2016, dự án điều chỉnh số vốn lên tới 868,04 triệu USD (tăng tới 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt ban đầu). Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD (trong đó riêng các chi phí thuộc Hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc đội lên hơn 248 triệu USD); phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam tăng 64,56 triệu USD… Nguyên nhân đội vốn chủ yếu do chậm tiến độ dẫn đến trượt giá và phải điều chỉnh thiết kế.
Đến nay, hợp đồng vay bổ sung (phần hơn 250 triệu USD bổ sung từ Trung Quốc) vẫn chưa hoàn tất như dự kiến vào cuối tháng 3.
Nếu tiến độ thi công vẫn tiếp tục chậm trễ như hiện tại, dự án đứng trước nguy cơ đội vốn vì lãi suất. Chưa tính đến phần lãi phát sinh của số vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách Nhà nước, chỉ tính riêng tổng vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tương đương 14.718 tỷ đồng) với lãi suất là 3%/năm, mỗi năm dự án phải trả khoảng 442 tỷ đồng tiền lãi, tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông gồm 13km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, 12 nhà ga, nhà điều hành 9 tầng… Mỗi đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông có 4 toa với sức chứa tối đa 1.326 người. Năng lực vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ (tương đương 1,02 triệu người/ngày). Tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/h. Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2011, bị đội vốn và lùi tiến độ. Theo kế hoạch ban đầu, Bộ GTVT đưa ra mốc tiến độ khai thác toàn tuyến từ ngày 31/12/2016. Đầu năm 2017, dự án được thông báo tiếp tục lùi tiến độ hoàn thành hơn 1 năm, dự kiến sẽ vận hành thử từ ngày 1/10/2017, đến cuối quý 1, đầu quý 2/2018 đưa vào khai thác chính thức. |
Trần Tâm
Xem thêm:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…