Hàng loạt chốt an ninh, rào xích sắt, bồn cây… được cho là lấn chiếm vỉa hè đã bị lãnh đạo quận 1 yêu cầu phá dỡ trong việc lập lại trật tự đô thị trên vỉa hè địa bàn quận.
Nhiều ngày qua, Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 TP.HCM tiếp tục xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Bên cạnh việc lập biên bản, xử phạt hành chính, hầu hết các vật lấn chiếm vỉa hè (bậc tam cấp, cây xanh, chậu hoa, bạt, chốt gác, trụ sở khu phố…) đều bị thu giữ hoặc phá bỏ.
Ông Trần Quốc Thanh, Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 TP.HCM, cho biết từ ngày 16/1 đến 26/2, UBND quận 1 đã lập biên bản xử lý 875 trường hợp vi phạm. Trong đó 790 trường hợp vi phạm về lấn chiếm vỉa hè (đỗ xe, bày bán hàng hóa, bán hàng rong,…). 85 trường hợp vi phạm còn lại liên quan đến vệ sinh môi trường (xả rác, tiểu bậy, xả nước thải). Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản, xử phạt thu về ngân sách gần 500 triệu đồng.
Trong một số ngày, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 trực tiếp ra đường chỉ huy lực lượng trật tự đô thị, CSGT, CSTT… kiểm tra, xử lý các trường hợp vị phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn.
Ngày 24/2, trụ sở khu phố 6 (phường Bến Thành) bị Phó Chủ tịch UBND quận 1 yêu cầu tháo dỡ ngay lập tức vì lấn chiếm vỉa hè. Khi lãnh đạo UBND phường Bến Thành có mặt, ông Hải yêu cầu đưa ra giấy phép xây dựng trụ sở khu phố, lãnh đạo phường Bến Thành không trả lời được. Ông Hải ra quyết định đập bỏ luôn vì “không có giấy phép gì“. Theo yêu cầu của ông Hải, các cá nhân trong đội trật tự phá khóa, bê vật dụng (bàn ghế, bảng, máy tính, giấy tờ…) ra ngoài, dùng búa, xà beng đập bỏ trụ sở.
Cũng trong ngày, bức tượng cao hơn 4m trên đường Nguyễn Trãi, phường Phạm Ngũ Lão, lấn gần hết vỉa hè cũng bị ông Hải chỉ huy đập bỏ. Một quán nhậu lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Trung Trực bị lập biên bản, xử lý trong khi hàng loạt xe máy đậu trên vỉa hè xe ô tô đậu lấn chiếm vỉa hè bị ông Hải yêu cầu lập biên bản, đưa về phường xử lý.
Tối 26/2, trên đường Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Thái Học…, tượng gà, cây xanh, chậu hoa, bạt…chiếm vỉa hè của nhà hàng Con gà trống bị thu hồi, một ô tô hiệu Porsche đậu trái phép trên đường Võ Văn Kiệt cùng hai ô tô biển xanh đậu trên vỉa hè trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, do không có tài xế nên ông Hải chỉ đạo lực lượng chức năng niêm phong và kéo về trụ sở.
Ngày 27/2, việc xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè tiếp tục được thực hiện tại các phường Bến Nghé, phường Nguyễn Thái Bình… với sự hỗ trợ của máy xúc. Một vọng gác công an cuối góc đường Hồ Tùng Mậu – Võ Văn Kiệt bảo vệ Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Sài Gòn, 4 vọng gác công an cùng hàng rào xích sắt bảo vệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị tháo dỡ, cẩu đi với lý do lấn chiếm vỉa hè, không xuất trình được các giấy tờ liên quan.
Không chỉ các chốt an ninh lưu động bị cẩu đi, một chốt an ninh bằng bê tông nằm trên vỉa hè cũng bị đập bỏ. Ngoài ra, một xe ô tô biển xanh đậu sai quy định và một số ô tô khác đậu trái phép dưới lề đường trên đường Hàn Thuyên (phường Bến Nghé, quận 1), bị xử lý; với những xe không có chủ thì niêm phong và kéo về trụ sở cơ quan chức năng.
Cũng trong chiều 27/2, một công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè trên đường Hàm Nghi làm nơi để vật liệu xây dựng cũng bị lực lượng chức năng lập biên bản, tịch thu vật dụng lấn chiếm. Trước đó, ông Hải đã dứt khoát yêu cầu đập bỏ bồn cây và buộc di dời cây sứ trước Công ty CP Vận tải Biển Sài Gòn (đường Nguyễn Công Trứ) vì đã lấn chiếm vỉa hè, cũng như nhiều ngày trước cho phá bỏ nhiều bức tường, bậc thềm chiếm vỉa hè, thu giữ nhiều xe buôn bán hàng rong.v.v…
Việc xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè của ông Hải đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Một số ý kiến ủng hộ cách làm “mạnh tay” của ông Hải, vì vỉa hè bị lấn chiếm quá nhiều trong khi việc xử lý sai phạm đã thực hiện một thời gian lâu nhưng không có tác dụng.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc lấy lại lòng đường, lề đường cho người dân là đúng, nhưng phải làm đúng pháp luật, vì theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đối với công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép, cơ quan nhà nước phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xác minh tình tiết vi phạm, xác định giá trị tang vật vi phạm, sau đó ra quyết định xử phạt hành chính, trong đó có nêu biện pháp buộc chủ thể vi phạm tự tháo dỡ trong vòng bao nhiêu ngày. Nếu hết thời hạn mà chủ sở hữu vẫn không khắc phục, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định cưỡng chế, thực hiện cưỡng chế; chi phí cưỡng chế do người vi phạm chi trả.
Về phía người dân, chủ sở hữu có quyền hỏi những người thực thi pháp luật trình văn bản, lệnh yêu cầu bằng văn bản và thực hiện cưỡng chế theo quy định nào.
Trong một diễn biến liên quan, tối 27/2, ông Đoàn Ngọc Hải đã cho lực lượng đô thị trả lại các vọng gác tại Ngân hàng Nhà nước trên đường Võ Văn Kiệt. Ngoài ra, hàng rào dây xích bằng thép bị phá dỡ vài giờ trước cũng được lắp lại, nhưng lùi sâu vào trong thay vì sát mép đường như trước. Ông Hải cho biết việc dựng lại vọng gác tại Ngân hàng Nhà nước là để lấy chỗ cho cảnh sát bảo vệ nơi trọng yếu và khẳng định việc ông yêu cầu tháo dỡ trước đó là không sai. Phó chủ tịch UBND quận 1 ra thời hạn trong vòng một tháng Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM phải hoàn thiện các hồ sơ, giấy phép còn thiếu. Trước đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết 4 chốt gác trên là của Bộ Công an, được thiết lập để bảo vệ kho tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước. Đây là khu vực cần đảm bảo an ninh tuyệt đối. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…