Thuê “cò” lập công ty với giá 5 triệu đồng để nhập iPhone về từ Hồng Kông, một người đàn ông đã buôn lậu trót lọt tới 617 chiếc iPhone trước khi bị bắt.
Ngày 21/12, TAND TP. Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Đình Việt (SN 1986, ngụ quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) và bị cáo Nguyễn Văn Cường (SN 1988, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) cùng về tội Buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, tháng 8/2017, ông Việt thuê “cò” với giá 5 triệu đồng, lập Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ Tiến Mạnh để nhập khẩu iPhone từ Hồng Kông về Việt Nam.
Sau đó, ông Việt thuê ông Cường thực hiện các thủ tục hải quan nhập khẩu thiết bị điện tử, điện thoại di động cho công ty trên với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Ông Cường được ông Việt giao cho hồ sơ pháp nhân, con dấu của công ty và đưa vào Đà Nẵng, thuê khách sạn ở để làm việc.
Trong thời gian này, ông Việt liên hệ với một phụ nữ tên Xuân đang sống tại Hồng Kông để mua điện thoại. Bà Xuân thường đến các cửa hàng của hãng Apple tại Hồng Kông để mua iPhone rồi bán lại cho một số người kinh doanh sỉ điện thoại tại Việt Nam.
Ông Việt cũng gửi thông tin Công ty Tiến Mạnh để bà Xuân tìm doanh nghiệp tại Hồng Kông xuất hóa đơn và liên hệ hãng hàng không để lập vận đơn. Tuy nhiên, ông Việt yêu cầu phải ghi thông tin hàng hóa là bộ lưu điện UPS với mục đích trốn thuế giá trị gia tăng (bộ lưu điện UPS có giá trị thấp so với điện thoại nên thuế khi nhập khẩu thấp hơn).
Ngày 29/9/2017, ông Cường làm thủ tục hải quan nhập khẩu cho Công ty Tiến Mạnh 40 bộ lưu điện UPS qua cửa khẩu sân bay Đà Nẵng. Khi ông Cường vừa đưa hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan thì bị công an phát hiện. Bên trong lô hàng là 200 chiếc điện thoại Iphone 6S Plus, được định giá 3.198 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Việt còn khai nhận đã dùng pháp nhân Công ty Tiến Mạnh, 4 lần nhập tổng cộng 617 iPhone cũng với thủ đoạn “núp bóng” bộ lưu điện qua sân bay Đà Nẵng cũng trong tháng 9/2017.
Ông Việt và ông Cường cùng khai nhận trước khi buôn lậu, đã nhờ ông P. (Chi cục Hải quan sân bay Đà Nẵng) giúp đỡ. Ông P. đồng ý và thỏa thuận với mỗi chiếc iPhone nhập về, ông Việt trả cho ông P. từ 250.000 – 500.000 đồng. Sau đó, ông P. đã nhận từ ông Việt và ông Cường số tiền 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan công an, ông P. không thừa nhận sự việc trên. Công an TP. Đà Nẵng công bố đã điều tra dấu hiệu đưa và nhận hối lộ nhưng hết thời hạn điều tra vẫn chưa đủ cơ sở kết luận. Do đó, Công an TP. Đà Nẵng đã tách dấu hiệu hành vi đưa, nhận hối lộ thành thông tin tội phạm riêng và ra quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, điều tra viên thụ lý.
Đối với L.V.T. (SN 1986) – công chức Hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng được phân công kiểm hóa 3 lô hàng nhập khẩu của Công ty Tiến Mạnh, cơ quan tố tụng kết luận người này không làm đúng quy trình, trách nhiệm được giao. Tuy nhiên, do không đủ cơ sở xác định lô hàng có iPhone nên không đủ bằng chứng xử lý hình sự.
Hai nhân viên Trung tâm An ninh hàng không Đà Nẵng là N.H.C. (SN 1988) và B.D.H. (SN 1978) được xác định là hai người giúp 2 bị cáo làm thủ tục chuyển hàng. Theo cơ quan tố tụng, do hai người này không biết bên trong có iPhone, đồng thời, trích xuất dữ liệu soi chiếu không phát hiện iPhone nên không có cơ sở xử lý.
Sau khi xét xử, TAND TP. Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Việt 9 năm tù và bị cáo Cường 7 năm tù cùng về tội Buôn lậu. HĐXX tuyên phạt bổ sung bị cáo Việt 100 triệu đồng, bị cáo Cường 10 triệu đồng.
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…