Categories: Thời sựViệt Nam

Góp ý Dự thảo Luật Dữ liệu: Cân nhắc quy định ‘chi 1% ngân sách cho Chiến lược dữ liệu quốc gia’

Một số cục thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cho rằng cần cân nhắc kỹ việc quy định riêng chi 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho Chiến lược dữ liệu quốc gia. 

Dữ liệu cá nhân được cho là không thể công khai, nếu không được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ “trong trường hợp cần thiết”. (Ảnh minh họa: congan.hoabinh.gov.vn)

Báo VnEconomy ngày 18/9 dẫn thông tin từ một số cơ quan góp ý cho Dự thảo Luật Dữ liệu do Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến góp ý (từ ngày 1/7 đến ngày 1/9/2024).

Điểm chung của các ý kiến là cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động của quy định tại Khoản 3 Điều 12 dự thảo luật: “Nhà nước bảo đảm chi cho hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia tối thiểu 1% trong tổng chi ngân sách hàng năm”.

Cục An ninh Điều tra (A09) và Cục Viễn thông và cơ yếu (H04), cùng thuộc Bộ Công an, đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, bổ sung luận cứ cho việc quy định chi tiêu ngân sách 1% cho Chiến lược dữ liệu quốc gia nêu trên.

Theo Cục An ninh Điều tra (A09), có 2 lý do cần cân nhắc. Thứ nhất, việc xây dựng dữ liệu số quốc gia là nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước nên phải đặt trong tổng thể chung của chiến lược phát triển đất nước; do vậy, việc quy định phân bổ ngân sách nhà nước phải có sự cân đối, điều chỉnh linh hoạt phù hợp với điều kiện, khả năng của ngân sách ở từng giai đoạn.

Thứ hai, việc xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu số quốc gia sẽ gồm cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, con người và các cơ chế, chính sách, vận hành. Trong đó, ở giai đoạn đầu thường cần nguồn kinh phí lớn bảo đảm cho đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; các năm tiếp theo chủ yếu là công tác vận hành, khai thác và cập nhật. Do đó, nhu cầu kinh phí đầu tư cần có sự điều chỉnh.

Cục Viễn thông và cơ yếu (H04), Bộ Công an, đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu xây dựng báo cáo đánh giá tác động, trong đó có nội dung chi “tối thiểu 1% trong tổng chi ngân sách hàng năm” cho Chiến lược dữ liệu quốc gia, tại Khoản 3 Điều 12 nêu trên.

Bộ Tư pháp cho rằng hiện đã có quy định về chi ngân sách cho xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, bao gồm cả các nội dung liên quan đến dữ liệu (thu thập, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ…).

Vì vậy, việc bố trí 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động để thực hiện Chiến lược dữ liệu mà chưa rõ nội dung chi, các hoạt động cụ thể là cần cân nhắc thêm, để tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Đưa ra ý kiến tương tự, ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Nội chính (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ) cho hay Chiến lược dữ liệu quốc gia chỉ là 1 trong nhiều chiến lược triển khai chuyển đối số quốc gia, như: Chiến lược phát triên Chính phủ điện tử hướng đên Chính phủ số, Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số, Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo đến 2030, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, sắp tới là Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Vì thế, việc quy định riêng đối với chiến lược là cần cân nhắc và đánh giá tác động kỹ để bảo đảm nguồn lực triển khai.

Ông Tuấn Anh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo lấy thêm ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về quy định này.

Lý giải cho đề xuất trên, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Dữ liệu cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật tương đồng với việc bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay đang được quy định tại Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, khi khoản 1 Điều 49 Luật này quy định Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Việc bố trí kinh phí cho hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia là quy định cần thiết vì hoạt động chuyển đổi số được xác định là một trong những nội dung chính để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Dự thảo Luật Dữ liệu sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 102024), và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Những dữ liệu nào là “bất khả xâm phạm”, dữ liệu nào công khai có điều kiện?

Cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra 8 nhóm dữ liệu không được phép công khai, gồm: dữ liệu cá nhân không được chủ thể dữ liệu đồng ý; dữ liệu là bí mật nhà nước; dữ liệu tác động đến quốc phòng, an ninh; dữ liệu nếu công khai sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, quan hệ quốc tế; dữ liệu có thể ảnh hưởng đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ cũng thuộc nhóm không được công khai.

Nhóm dữ liệu được công khai có điều kiện, gồm dữ liệu liên quan đến bí mật kinh doanh; đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Những thông tin này chỉ được phép tiếp cận trong trường hợp chủ thể đồng ý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cơ quan nhà nước được cung cấp dữ liệu trên vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng mà không cần có sự đồng ý.

Báo Vnexpress đưa tin góp ý về nội dung này, Bộ Nội vụ cho rằng dữ liệu cá nhân và thông tin về cuộc họp nội bộ, tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ thuộc diện dữ liệu được công khai có điều kiện.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ đề nghị quy định cụ thể “trong trường hợp cần thiết” nào thì cơ quan nhà nước được cung cấp dữ liệu liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình vì những nội dung này là quyền bất khả xâm phạm theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung “cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước và tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ” là không được phép công khai, nếu có nội dung về bí mật nhà nước.

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

18 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

32 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

54 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago