Ngày 21/9 là ngày Tết Trung Thu, cũng là ngày đầu tiên Hà Nội nới lỏng giãn cách sau 2 tháng siết chặt quy định về phòng dịch COVID-19. Hàng vạn người ra đường để đón Trung Thu sau nhiều ngày “tù túng”.
“Các tuyến phố trung tâm của Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây hầu như đều xảy ra tình trận ùn ứ, đông đúc khi người dân đổ ra đường đi chơi Trung Thu”, báo Lao Động đưa tin.
“Nhiều tuyến đường xe cộ ken cứng. Nhiều người đi xe máy chở theo trẻ em để chơi Trung Thu”, theo báo Thanh Niên.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, đánh giá “người dân đang chủ quan” trong khi “nguy cơ dịch COVID-19 tại Hà Nội vẫn còn rất cao”, “chúng ta không thể loại trừ các F0 ra khỏi cộng đồng”.
Theo ông Phu, nếu trong đám đông tối qua, có 1 ca F0 thì sẽ lây lan rất nhanh và khi đó ngành y tế sẽ rất khó thực hiện truy vết, vì không thể biết ai lây cho ai, ai tiếp xúc với ai, điều này rất nguy hiểm.
“Trong thời điểm này, người dân chỉ nên ra đường khi cần thiết. Hạn chế đến mức thấp nhất việc gặp gỡ, tụ tập”, ông Phu nói.
“Chủ quan vì đã xét nghiệm âm tính, không ít người dân còn chủ quan vì đã tiêm một mũi vắc-xin nghĩ rằng không thể nhiễm bệnh, đó là sai lầm. Có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Để dịch bùng lên lại thì chúng ta lại phải giãn cách lại từ đầu”, ông Phu nói thêm.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nói trên trang Zing, “thực tế tại Hà Nội cho thấy chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm soát F0 ngoài cộng đồng. Trong khi đó, hầu hết người dân mới chỉ được tiêm một mũi vắc-xin. Trẻ em, người dưới 18 tuổi cũng chưa được tiêm chủng”.
Do đó, ông Hùng cho rằng việc người dân đổ ra đường đêm Trung Thu, thậm chí tổ chức ăn uống đông người trong thời điểm này là rất nguy hiểm.
Theo ông Hùng “những hoạt động tụ tập đông người tự phát thuộc về ý thức của người dân. Tuy nhiên, trong trường hợp hàng vạn người Hà Nội đổ ra đường trong đêm Trung Thu vừa diễn ra, chúng ta sẽ không có cách nào để xử phạt được”.
“Không thể trách người dân bởi chính quyền cần có những biện pháp kiểm soát dịch, cảnh báo từ trước thay vì để tới lúc biến cố xảy ra mới nghĩ đến nguy cơ”, ông Hùng nói.
Ông cũng lưu ý giới chức Hà Nội cần tránh tình trạng kiểm soát quá cứng nhắc, yêu cầu thủ tục hành chính không cần thiết trong bối cảnh thành phố nới lỏng giãn cách.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng thành phố cần có những dự báo trước tình hình, nâng mức cảnh báo, có sự chuẩn bị từ xa, từ sớm. Theo ông, khoảng 3-4 ngày tới, nếu ai có triệu chứng ho sốt thì cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế. Người dân cần đi khám, xét nghiệm sớm khi nghi ngờ về tình trạng sức khoẻ.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…