Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi (Ban chỉ đạo Quốc gia) cho biết tại Hậu Giang đã xuất hiện hai ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi vào ngày 11/5.
Tổng 68 con lợn của hai hộ dân ở xã Nhơn Nghĩa A và Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy) có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tất cả lợn nhiễm bệnh đã được tiêu hủy.
Hiện ngành thú y tỉnh đang phối hợp với cơ quan chức năng triển khai chống dịch, lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật trong bán kính 3 km tại hai ổ dịch.
Hậu Giang là địa phương đầu tiên ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và là tỉnh thứ 29 trên cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Toàn tỉnh có trên 15.000 hộ chăn nuôi heo, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, với tổng đàn khoảng 160.000 con.
Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện, công bố đầu tiên tại Hưng Yên vào ngày 1/2. Theo số liệu của Ban chỉ đạo Quốc gia, tính đến ngày 12/5, bệnh dịch này đã xảy ra tại 2.296 xã, thuộc 204 huyện, của 29 tỉnh, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con, chiếm 4% tổng đàn lợn của cả nước.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, thuốc điều trị nên nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan là rất cao. Theo nhận định, bệnh vẫn đang lây lan trên diện rộng và gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi là do công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh tại một số địa phương chưa kịp thời; việc tổ chức tiêu hủy heo bệnh, chết chưa kịp thời, chưa triệt để; việc vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng; công tác quản lý vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ heo bị bệnh còn lỏng lẻo…
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh ở loài lợn. Biểu hiện là lợn sốt cao (40,5-42 độ C), không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ (xuất huyết dưới da), đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, ngực, bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi chết, lợn có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Tỷ lệ tử vong 100%. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, thuốc điều trị. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Xuất hiện từ năm 2016 đến nay, hiện dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 59 quốc gia. Việt Nam là một trong ba nước châu Á có dịch (hai nước khác là Trung Quốc, Mông Cổ). |
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…