Hơn 1,2 ngàn người thương vong, gần 40 ngàn tỷ đồng mất trắng trong thiên tai 2016

Năm 2016 là năm đặc biệt xảy ra nhiều đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong lịch sử, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản với 264 người chết và mất tích, gần 1.000 người bị thương, thiệt hại kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.

Một phụ nữ Bến Tre nhìn ruộng dưa hấu của gia đình bị hỏng trong đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua tại ĐBSCL do tác động của El Nino và do các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Kong, ngày 5/5/2016. (Ảnh: Getty Images/Christian Berg)

Thông tin do ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết tại “Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017” diễn ra tại Hà Nội ngày 17/4.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2016, tại Việt Nam xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm trên khắp các vùng, miền với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính bất thường.

Cụ thể, tại ĐBSCL, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng; phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km. Trong khi đó, 18 tỉnh ở các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng chịu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đánh giá, đây là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.

Cũng trong năm 2016, Việt Nam hứng chịu 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (trong số 10 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông) gây nên hình thái mưa lũ đặc biệt lớn, bất thường, liên tục và kéo dài trên toàn bộ miền Trung; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều nơi; các hiện tượng dông, lốc, sét xảy ra kèm theo gió giật rất mạnh xảy ra ở các vùng miền trên cả nước, chưa kể đầu xảy ra rét hại, băng giá, tuyết rơi kéo dài trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Ông Nguyễn Xuân Cường cho hay năm 2016 ghi nhận đã xảy ra 20/21 loại hình thiên tai ở tất cả các vùng miền trên cả nước.

Thống kê theo báo cáo từ các địa phương, năm 2016, thiên tai đã khiến:

  • 264 người chết và mất tích;
  • 1.000 người bị thương;
  • 5.431 nhà đổ, sập, trôi;
  • 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái;
  • 828.661 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại;
  • Hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp;
  • 115 km đê, kè; 938 km kênh mương; 122 km bờ sông, bờ biển sạt lở.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê đưa ra vào cuối năm 2016, Việt Nam mất gần 1% GDP (39.726 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD) do thiên tai. Nhóm ngành nông-lâm-thuỷ sản tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.

Tiếp tục theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2017, tình hình thời tiết đã và đang có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật. Mùa đông 2016 ấm, nhiều đợt không khí lạnh và mưa phùn ảnh hưởng sâu vào khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ, đã và đang làm cho dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi, sạt lở bờ biển nghiêm trọng…

Trước báo cáo trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngoài tính bất thường của thời tiết, thì chủ quan trong chỉ đạo, điều hành cụ thể còn nhiều bất cập là nguyên nhân để xảy ra những thiệt hại lớn, như Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia; chưa cập nhật phòng chống các hiện tượng thời tiết cực đoan; việc phòng chống nhiều nơi làm còn mang tính hình thức nên lúng túng khi vào tình huống thực tế…

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Xuân Phúc, ngành giao thông còn nhiều công trình giao thông gây cản lũ; các hồ chứa nước ngoài làm thủy điện, thủy lợi thì phải chống lũ và chống hạn, không thể cứ xả lũ làm tăng ngập vùng hạ lưu rồi trả lời là xả đúng quy trình; xây hồ chứa nước để chống hạn nhưng khi hạn, hồ không có nước, vậy quy trình điều tiết hồ là sai.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết những tháng tiếp theo trong năm 2017 sẽ còn diễn biến phức tạp: nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm; mưa lũ diễn biến bất thường và ở mức cao, bão hoạt động sớm ở biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền tương đương trung bình nhiều năm.

Trước đó, đa số các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới đều nhận định từ nửa cuối năm 2017, hiện tượng ENSO sẽ có xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino, khiến nắng nóng mạnh hơn, khả năng xuất hiện nhiều bão và siêu bão.

Trong năm 2016, trên thế giới cũng xuất hiện nhiều hiện tượng thiên tai lớn làm nhiều người chết và mất tích, trong đó kể đến như: Siêu bão Matthew với sức gió giật cấp 17 đổ bộ vào khu vực Trung Mỹ và miền Nam Hoa Kỳ làm gần 900 người thiệt mạng; siêu bão Meranti đổ bộ vào Trung Quốc và siêu bão Chaba đổ bộ vào Hàn Quốc làm hàng chục người chết, mất tích; động đất tại Đài Loan mạnh 6,4 độ richter làm 117 người chết; động đất ở Indonesia mạnh 7,8 độ richter làm trên 100 người thiệt mạng…

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Nguyễn Sơn

Published by
Nguyễn Sơn

Recent Posts

Đức phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus đậu mùa khỉ

Ca đầu tiên nhiễm biến thể mới clade 1b của virus đậu mùa khỉ (mpox)…

4 giờ ago

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông thúc đẩy đàm phán ngừng bắn

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có mặt tại Israel ngày 22/10, điểm dừng chân đầu…

4 giờ ago

TP.HCM dự kiến xây 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn

TP.HCM dự kiến xây dựng 42 công viên dọc hành lang sông Sài Gòn để…

7 giờ ago

Bờ biển ở Thừa Thiên – Huế sạt lở bất thường hàng trăm mét

Đoạn bờ biển dài khoảng 300m ở xã Phú Thuận bị sạt lở nghiêm trọng,…

7 giờ ago

Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, giật cấp 15 khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa

Bão Trà Mi mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, sẽ vào…

8 giờ ago

Năm 2023, Quỹ Bảo hiểm y tế chi khám chữa bệnh 124.300 tỷ, phí quản lý hơn 3.900 tỷ

Trong năm 2023, tổng số chi của Quỹ Bảo hiểm y tế là hơn 140.000…

11 giờ ago