Categories: Thời sựViệt Nam

‘Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao’

Ngoài 42.000 lao động bị mất việc hiện tại, Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) dự báo trong 3 tháng tới, thị trường sẽ tiếp tục giảm khoảng 75.000 lao động, trong đó nhiều nhất là ngành dệt may-da giầy (chiếm 41,8%), điện-điện tử (chiếm 40,8%).

Hai đứa trẻ ngủ lề đường khi mẹ làm công nhân bị mất việc làm, không có tiền trả tiền nhà, TP.HCM, tháng 11/2022. (Nguồn: Phan Xuân Trung/Facebook)

Hơn 42.000 lao động mất việc – hơn 100.000 người khốn khó

Tại tọa đàm “Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng – thực trạng và giải pháp” do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) tổ chức chiều 8/12, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho biết theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn lao động tỉnh, có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có hơn 42.000 lao động mất việc.

Nhiều lao động đã trả phòng về quê – ông Tiến cho hay. Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao. Bình quân mỗi gia đình 2-3 người, nhân lên hơn 100.000 người chịu ảnh hưởng. Trong số đó, có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ đang mang bầu, nuôi con nhỏ.

Nhiều công nhân “không một đồng tích lũy” khi đột nhiên mất việc. Theo khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn thực hiện trong tháng 11 với trên 6.200 công nhân ở cả ba miền, nếu mất việc thì gần 59% công nhân không có khoản tích lũy, 11,7% công nhân có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được từ 1-3 tháng và 12,7% được trên 3 tháng.

38% công nhân tham gia khảo sát cho biết đang nợ nần; trong số đó, 14% khó trả nợ đúng hạn, dễ sa vào tín dụng đen.

Thời gian làm việc bình thường của công nhân giảm còn 7,25 tiếng/ngày thay vì 8 tiếng như quy định và không có tăng ca. Thu nhập từ đó giảm xuống 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng trong quý 3 như Tổng cục Thống kê công bố.

Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu nên 18% công nhân được khảo sát nói rằng từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần nếu mất việc.

Khó khăn có thể kéo dài tới giữa năm 2023

Lý giải về tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động đang diễn ra dồn dập, Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho hay do một số ngành giảm đơn hàng.

Những lao động bị cắt giảm tập trung ở các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ, dệt may, da giày, điện-điện tử. Theo giới chức thị trường lao động, thực tế cho thấy khi có biến động thì lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng.

Dự báo trong 3 tháng tới, thị trường lao động sẽ giảm khoảng 75.000 lao động, với 92,9% là lao động phổ thông, trong đó nhiều nhất là ngành dệt may-da giầy (chiếm 41,8%), điện-điện tử (chiếm 40,8%).

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách-pháp luật (Liên đoàn lao động TP.HCM) cho biết TP.HCM có khoảng 108.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó, khoảng 6.000 người bị mất việc, khoảng 102.000 lao động bị giảm giờ làm.

Con số thống kê tại Bình Dương là 30.000 lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương và trên 240.000 người bị giảm giờ làm, theo ông Đặng Tiến Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương. Từ đầu năm đến nay hơn 140.000 người làm hồ sơ lĩnh trợ cấp thất nghiệp.

Ông Đạt nhận định dự báo khó khăn kéo dài tới giữa năm 2023, số lao động tạm hoãn hợp đồng sẽ còn tăng nhiều. Trong khi mức hỗ trợ 500.000 đồng từ công đoàn không thể giúp họ cầm cự thì phía doanh nghiệp còn đơn hàng chỉ nhận người chấm dứt hẳn hợp đồng. Công nhân rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đang là lao động thâm niên, có tay nghề, hưởng lương 7- 8 triệu đồng, nếu chấm dứt hẳn hợp đồng vào làm việc ở nơi mới sẽ nhận lương như lao động mới vào nghề, chỉ 3-4 triệu đồng.

Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng Ban Chính sách – pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai) cho biết qua khảo sát nhanh, đến nay các doanh nghiệp dệt may, giày da, gỗ thiếu đơn hàng nhiều nhất. Hiện có 187 doanh nghiệp giảm giờ làm với gần 63.000 lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, 5.000 lao động bị hoãn hợp đồng lao động.

Muốn vực lại thị trường lao động, sản xuất, cần hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo từ nay đến hết quý 2/2023, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm. Tức ra Tết có thêm hàng ngàn công nhân bị mất việc, giảm giờ làm. Ngoài tình trạng lao động thất nghiệp, sụt giảm lương, cơ quan này dự báo sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác.

Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn lao động TP.HCM – ông Nguyễn Thành Đô cho rằng ngay lúc này, cần có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để họ có điều kiện tái cơ cấu sản xuất. Cùng với đó, trước Tết phải có gói hỗ trợ cấp thiết cho người lao động bị mất việc, hoãn hợp đồng lao động.

Đại diện công đoàn TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng ngoài gói 2% hiện hành. Chính sách cho lao động mất hoặc cắt giảm việc làm cần bỏ đi các thủ tục rườm rà. Trước mắt, công đoàn thành phố tích cực kết nối giới thiệu việc làm thời vụ cho lao động để cầm cự qua Tết.

Ông Đặng Tiến Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ miễn, giảm, giãn thuế; giãn đóng BHXH và giãn trả nợ vay ngân hàng; người lao động đề xuất có gói hỗ trợ của Chính phủ như Nghị quyết 42. Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương kiến nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hỗ trợ giãn đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp, miễn đóng đoàn phí công đoàn cho người lao động có thu nhập thấp.  Theo ông này, các gói hỗ trợ người lao động cũng chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời chứ không phải là giải pháp căn cơ.

Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng Ban Chính sách – pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai) kiến nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ người lao động nghỉ việc mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp bởi dự kiến năm 2023 sẽ có khoảng 20.000 lao động tạm hoãn hợp đồng. Ngoài ra, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để doanh nghiệp bớt khó khăn, khi hiện có những doanh nghiệp không có tiền trả lương cho công nhân.

Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội – ông Nguyễn Đình Thắng đề xuất cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao. “Thống kê công bố CPI tăng chỉ 4% nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng tăng rất cao, cứ theo chân công nhân ra chợ thì biết”, ông Thắng nói.

TP Hà Nội cần tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân, lao động dịp cuối năm. Các cơ quan tăng thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng nợ, trì hoãn đóng bảo hiểm cho người lao động. Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

54 giây ago

Maria Zakharova: ‘Cánh NATO cực đoan’ thúc đẩy chiến tranh với Nga

Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…

3 phút ago

5 kiểu phụ nữ dù không xinh đẹp xuất chúng vẫn khiến người khác dễ chịu

Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…

11 phút ago

Nhà Hậu Trần – P5: Giằng co cản bước quân Minh nam tiến

Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…

22 phút ago

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

31 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

38 phút ago