Con số 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa nêu chỉ chiếm 5,02% trong tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố đang bị sa thải, cắt giảm giờ làm… Lý do đều bởi doanh nghiệp bị giảm đơn hàng.

tong lien doan lao dong viet nam hon 31 300 lao dong bi sa thai
Công nhân đến làm thủ thục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Bình Dương, tháng 11/2022. (Ảnh: baobinhduong.vn)

Chiều 9/11, báo Lao Động dẫn thông tin từ bà Trần Thị Thanh Hà – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết hiện có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng do đơn hàng giảm.

Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giầy; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Tổng cộng có 441 doanh nghiệp (trong đó, 331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) bị ảnh hưởng, khiến 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố bị tác động theo. Số doanh nghiệp và lao động trên tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, chiếm 68% tổng số doanh nghiệp và  88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng.

Phân loại theo mức độ mà người lao động bị ảnh hưởng, có tới 90% lao động bị giảm giờ làm (562.400 người); 5,02% lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (31.370 người); 4,98% lao động bị nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (31.012 người)…

Các hình thức cắt giảm lao động phổ biến như giảm giờ làm hằng ngày; làm cách nhật (làm thứ 2, 4, 5 hoặc thứ 3, 5, 7 hoặc từ 3-5 ngày/tuần); nghỉ hưởng lương ngừng việc; nghỉ không hưởng lương; tạm hoãn hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động…

Về tình hình trong thời gian tới,  Ban Quan hệ lao động nhận định tình hình cắt giảm đơn hàng sẽ tiếp tục xảy ra từ nay đến cuối năm 2022, xảy ra phần lớn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ của người lao động. Thậm chí, năm 2023 sẽ có đợt giảm đơn hàng tiếp theo, trong đó, ngành dệt may sẽ có đợt cắt giảm nhiều hơn trong quý 1/2023.

Gần đây nhất, ngày 10/11, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng đưa ra thống kê cho hay hơn 4.000 lao động của 20 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trong thành phố bị giảm giờ làm, giảm lương, mất việc do doanh nghiệp hết và ít đơn hàng và nguyên liệu trong dịp cuối năm.

Phần lớn các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, chế biến thủy sản, sản xuất gỗ. Trong đó, doanh nghiệp có số lao động bị giảm giờ làm, giảm lương, mất việc… nhiều nhất là 1.800 lao động.

Theo tin từ Người Lao Động, tại Bình Dương, kể từ đầu năm 2022, số lao động trong tỉnh bị giảm giờ làm, giảm thu nhập lên tới khoảng 240.000 lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết vào ngày 9/11.

Trong khi đó, theo số liệu của Sở Lao động- Thương binh- Xã hội tỉnh tỉnh Bình Dương, con số lao động bị thất nghiệp lên tới khoảng 28.000 người, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp không có đơn hàng nên cắt giảm nhân công khi hết hợp đồng lao động. Trong đợt biến động việc làm lớn này, người lao động khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tương tự tại Long An, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Long An ngày 9/11 cho biết theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, đã có hơn 4.100 công nhân lao động tại hơn 17 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại tỉnh này bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giảm giờ làm việc.

Nguyên nhân cũng do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng vào dịp cuối năm. Trong đó, có hơn 1.000 công nhân lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và hơn 3.100 người bị giảm thời gian làm việc.

Hiện Công ty Cổ phần Del Tech (khu công nghiệp Phúc Long, huyện Bến Lức) đang có số công nhân lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhiều nhất, hơn 700 người; trong khi Công ty TNHH Yujin Kreves (khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa) có số lao động bị giảm giờ làm nhiều nhất với hơn 720 người.

Đáng lưu ý, có gần 170 công nhân lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm là công nhân lao động nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ. Trong số những công nhân lao động bị mất việc làm nói trên, có 760 người đang bị doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội tổng cộng khoảng 3,6 tỷ đồng.

Sơn Nguyên