Categories: Thời sựViệt Nam

Năm Mậu Tuất kể chuyện giống chó quý Phú Quốc

Được coi là một trong “Tứ đại Quốc khuyển” của Việt Nam (cùng với chó Bắc Hà, chó Dingo Đông Dương và chó H’Mông cộc đuôi), chó xoáy Phú Quốc được mệnh danh là “Khuyển vương” bởi những đặc điểm nổi trội về thể lực, tính cách và lòng trung thành.

Theo các ghi chép lịch sử, chó Phú Quốc đã có mặt trên hòn đảo này từ hơn 400 năm trước. Với nhiều biệt tài: săn thú, leo trèo, đào hang sinh con, bơi giỏi dưới nước, chúng được người dân nuôi để giữ nhà và là cộng sự không thể thiếu trong mỗi chuyến đi săn. Chó Phú Quốc khi trưởng thành thường nặng từ 15 – 20kg, đầu thon, cổ dài, tai dài và dựng đứng, ngực nở, bụng thon, chân dài và thẳng, đuôi vót cần câu…

Đặc điểm bên ngoài nổi trội nhất khiến loài chó này trở nên rất quý hiếm, khác biệt với hơn 400 loài chó khác trên thế giới, là các xoáy và dải lông mọc ngược trên lưng (trên thế giới hiện chỉ có hai loài khác có xoáy lưng là chó xoáy Thái Lan và chó xoáy Nam Phi).

Loài chó Việt quý hiếm nổi tiếng châu Âu
từ thế kỷ 19

Từ thập niên 80 của thế kỷ 19, những cuộc thi chó đã rất quen thuộc với người dân châu Âu, nhất là những người thuộc giới quý tộc, chó Phú Quốc đã được đưa tới châu lục này và giành ngôi vị cao nhất trong các cuộc thi và triển lãm chó danh giá.

Năm 1886, ông Fernad Doceul (một người Pháp từng làm công chức cho chính quyền thuộc địa Pháp nhiều năm tại các tỉnh Nam Bộ) đã mang hai cặp chó Phú Quốc bằng đường thủy về Pháp. Một con bị chết trên đường vận chuyển, ông Doceul đem ba con còn lại tặng cho vườn thú Paris. Ngay lập tức, những con chó Phú Quốc với các xoáy và dải lông mọc ngược trên sống lưng – điều không thể tìm thấy ở bất kỳ một loài chó nào khác trên thế giới vào thời điểm lúc bấy giờ, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người chơi chó châu Âu. Nhiều vị quý tộc và những người yêu chó từ Thụy Điển, Italia… đã vượt hàng ngàn kilomet đến vườn thú Paris để ngắm loài chó đặc biệt quý hiếm này.

Danh tiếng của loài chó Phú Quốc được vang xa tám năm sau đó, năm 1894, hai con chó Phú Quốc với tên “Xoài” (Mango)“Chuối” (Banane) (thuộc sở hữu của một người Pháp tên là Gaston Helouin sống tại Felfaut, Pas de Calais, miền Bắc nước Pháp) đã giành được ngôi Quán quânÁ quân tại cuộc thi chó được tổ chức tại thành phố Lille của nước Pháp.

Tiếp tục tham gia Triển lãm Hoàn vũ Quốc tế về chó được tổ chức tại Anvers (Vương quốc Bỉ) trong hai ngày 15 và 16/7/1894, vừa mới xuất hiện trước Bá tước Henri de Bylandt – một quý tộc Hà Lan thuộc dòng dõi danh tiếng, đóng vai trò then chốt trong hàng chục Hiệp hội chó giống của Anh, Bỉ, Pháp, Hà Lan, XoàiChuối được đôi mắt của vị Bá tước này nhìn nhận như một loài chó quý hiếm. Không chỉ bỏ xa hàng chục con chó khác về điểm chấm, theo catalogue của cuộc thi, Xoài Chuối còn được định giá 25.000 Franc Bỉ (thời bấy giờ) trong khi những con chó khác chỉ được định giá từ 50 đến 100 Franc Bỉ.

Theo quy định của các cuộc thi, chó dự thi phải có tên tuổi, lý lịch, gia phả và bản tiêu chuẩn rõ ràng để đối chiếu. Nghiên cứu và soạn thảo hai trang sách với hình ảnh hoàn hảo của XoàiChuối cùng 26 chi tiết tiêu chuẩn, Bá tước Henri de Bylandt ghi danh giống chó này là Chó săn Phú Quốc (Lévrier Phu Quoc) vào cuốn sách trứ danh của mình – cuốn sách cổ và quý hiếm nhất về loài chó mang tên Les Races de Chien (xuất bản năm 1897, mô tả 316 giống chó trên thế giới, được in bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp và Đức). Ở cuối bản tiêu chuẩn của chó săn Phú Quốc, vị Bá tước danh tiếng còn ghi thêm chú thích: “Tôi đã có dịp chấm thi giống chó này tại Anvers. Tôi rất ấn tượng bởi hướng lông ở sống lưng. Tôi không hề biết một giống chó nào khác có lông mọc theo lối này cả”.

Dải lông đặc biệt mọc ngược chiều so với phần lông trên mình chó Phú Quốc được kéo dài từ vai đến hông và đối xứng qua xương sống với nhiều hình dạng: hình kim, hình mũi tên, yên ngựa, hình cây đàn hoặc chiếc lá… Mặc dù chỉ có khoảng 40% số chó con sinh ra trong một lứa có mang xoáy lông trên lưng, một số khác có xoáy ở sau mông hoặc trên cổ nhưng các xoáy và dải lông mọc ngược này vẫn được coi là đặc điểm đặc trưng nhất của loài chó Phú Quốc.

Các xoáy và dải lông mọc ngược trên lưng chó Phú Quốc làm say mê bao người chơi chó trên thế giới.

“Huyền thoại” loài
Khuyển vương trên Đảo Ngọc

Không chỉ quý hiếm vì các xoáy và dải lông mọc ngược trên lưng, chó Phú Quốc được mệnh danh là Khuyển vương bởi rất nhiều tập tính nổi trội. Là “cộng sự” tuyệt vời trong những chuyến săn bắt từ hàng trăm năm nay tại Đảo Ngọc, các đặc tính ưu việt trong kỹ năng săn mồi khiến chó Phú Quốc luôn được bất cứ người thợ săn nào cũng rất ưa thích tin dùng. Chúng chạy rất nhanh và có thể đổi hướng chạy một cách đột ngột, bởi vậy những con mồi giỏi lủi như chuột hay thỏ cũng khó lòng thoát khỏi, đồng thời, chúng còn có thể tự săn chuột, khỉ, lợn rừng rồi tha về cho chủ, hay săn cả những con thú có kích cỡ lớn như: hươu, nai…

Trên Đảo Ngọc, người dân vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về chó Phú Quốc chiến đấu với rắn độc để cứu chủ hay tấn công rắn hổ mây rừng – đối với những người thợ săn, đây là nỗi khiếp sợ ám ảnh. Khi một chú chó bị chết trong cuộc chiến, nó sẽ được người chủ chôn cất cẩn thận như chôn một người bạn của mình, bởi đây không chỉ là người cộng sự tài ba mà còn là “ân nhân” cứu mạng. Cũng có người từ đó gác súng và giã từ nghiệp săn bắn.

Còn giữ nhiều bản tính hoang dã, loài chó này tự đào hang để đẻ và nuôi con trong đó. Hàng ngày, chó mẹ mang thức ăn về nuôi con và nằm chặn ở cửa hang để che gió khi trời lạnh. Tới khi đàn con cứng cáp, chó mẹ mới dẫn đàn về nhà chủ. Chó Phú Quốc còn có biệt tài bơi dưới nước rất giỏi và bắt cá dưới biển làm thức ăn. Chúng có bộ lông mượt và ngắn (chỉ khoảng 1 – 2 cm), khi bị ướt chỉ cần lắc mình vài lượt bộ lông sẽ khô nhanh trở lại. Ngoài ra, loài chó này còn có một đặc điểm vượt trội nữa là rất giỏi leo trèo như loài mèo, không sợ độ cao, có thể leo qua tường, trèo hàng rào hay thản nhiên đi dạo trên mái nhà.

Sở hữu nhiều biệt tài hiếm có, chó Phú Quốc trở thành một trong những loài chó tinh khôn và nhanh nhẹn nhất trong những giống chó săn trên thế giới. Nhiều câu chuyện về loài chó quý hiếm này được kể lại từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến chó Phú Quốc trở thành “huyền thoại” của Đảo Ngọc. Năm xưa, Vua Gia Long trong những năm tháng phục quốc đã được bốn con chó Phú Quốc cứu nguy hai lần, giúp ông thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Sau khi lên ngôi, Vua Gia Long khi bình công phong thưởng cho tướng sĩ, đã sắc phong cho bốn con chó Phú Quốc danh hiệu: “Cứu khốn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân”. Đến khi bốn con chó qua đời, ông cho an táng và lập miếu thờ trọng thể. Quân đội nhà Nguyễn cũng dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển như một nguồn lực quân sự quý giá.

 

Nguy cơ tuyệt chủng và
hành trình tìm lại ngôi “vương”

Mặc dù vậy, loài Khuyển vương “huyền thoại” của nước Việt từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do vào những năm 2000 khi giao thương trên Đảo phát triển, người dân ồ ạt bán đi những con chó xoáy thuần chủng, nhiều hàng quán bán thịt chó xoáy như một đặc sản của Phú Quốc và việc lai giống với nhiều giống chó khác khiến nguồn gen quý giá và các đặc tính của chó Phú Quốc bị pha tạp, tổn hại. Năm 2007, số chó Phú Quốc thuần chủng tại Đảo chỉ còn trên dưới 100 con, trong đó phần lớn là những cá thể xấu và bị nhiễm bệnh (phổ biến nhất là bệnh u nang biểu bì – một bệnh bẩm sinh do di truyền ở giống chó xoáy).

Là người tình cờ phát hiện và tìm lại danh tiếng của chó Phú Quốc trong lịch sử, đồng thời cũng nhìn thấy nguy cơ tuyệt chủng của loài chó quý giá này, Giáo sư Dư Thanh Khiêm – Viện trưởng Viện Giáo dục Woluwe Saint Pierre tại Brussels (Vương quốc Bỉ) – người nghiên cứu hàng chục bộ sách cổ, quý hiếm về các loài chó, đã mở hội thảo mang tên “Chó Phú Quốc – Niềm tự hào của chúng ta” tại TP.HCM vào tháng 7/2007 – sự kiện khởi đầu phong trào bảo tồn và phát triển loài chó Phú Quốc quý giá.

Hành trình tìm lại ngôi vị cho chó Phú Quốc đầy gian nan khi nguồn gốc của chó Phú Quốc đến nay vẫn còn nhiều tranh luận bởi chó xoáy Phú Quốc và chó xoáy Thái Lan có ngoại hình tương tự nhau, lại sinh sống trong hai khu vực địa lý tương đối gần. Người Thái cho rằng chó xoáy Phú Quốc là một nhánh của chó xoáy Thái Lan và Hiệp hội Chó giống Thái Lan đã đăng ký thành công tiêu chuẩn loài chó xoáy thuần chủng Đông Thái Lan với Liên đoàn các Hiệp hội Chó giống Quốc tế (FCI) năm 2003. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu, phản biện của các nhà khoa học Việt Nam bác bỏ quan điểm của người Thái và khẳng định chó xoáy Phú Quốc là loài chó đặc hữu của đảo Phú Quốc.

Giáo sư Khiêm và những người yêu chó Việt Nam đã thành lập Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam (Viet Nam Kennel Association – VKA) năm 2008. Năm 2009, VKA nộp đơn xin gia nhập FCI, thông qua Bản tiêu chuẩn Chó Phú Quốc (2009) và bắt đầu tổ chức các cuộc thi chó giống để có thêm nhiều cơ hội quảng bá, bảo tồn và phát triển chó Phú Quốc. Nhiều câu lạc bộ những người nuôi chó Phú Quốc được thành lập khắp cả nước với số lượng người mang chó tham gia công nhận giống và các cuộc thi ngày càng tăng. Tuy nhiên, tới nay, chó Phú Quốc vẫn chưa được FCI công nhận dù VKA đã nộp hồ sơ đăng ký từ năm 2008.

Hành trình đưa chó Phú Quốc trở lại danh mục các giống chó được FCI công nhận đã có những thành công bước đầu khi tháng 7/2011, ĐốmVện – hai chú chó Phú Quốc đã được nước chủ nhà Pháp “mời” tham dự cuộc thi chó đẹp thế giới do FCI tổ chức. Sau 117 năm kể từ cuộc thi danh giá ở Vương quốc Bỉ, sự xuất hiện của hai chú chó Phú Quốc tại cuộc thi quốc tế giữa thủ đô Paris ngay lập tức thu hút sự chú ý của Ban Giám khảo và cộng đồng nuôi chó thế giới. Mặc dù không thể đi sâu vào giải thế giới do chưa được công nhận trong danh sách các giống chó chính thức của FCI, nhưng chứng chỉ CAC (Chứng chỉ Chó đẹp cấp Quốc gia Pháp) của Đốm và giải CACS (Chứng chỉ Chó đẹp cấp Thế giới) của Vện tại một cuộc thi có hơn 38.000 con chó đến từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã khiến những người yêu chó Phú Quốc vỡ òa trong hạnh phúc.

Hành trình bảo tồn nguồn gen quý giá và tìm lại “ngôi vương” cho chó Phú Quốc trên trường quốc tế vẫn còn dài ở phía trước nhưng đã bớt gian nan và đầy hy vọng khi tính đến năm 2015, đã có tất cả 2.144 con chó Phú Quốc được công nhận giống và có gia phả trên khắp cả nước; tháng 11/2017, VKA chính thức trở thành Thành viên dự bị của FCI sau 8 năm phát triển. Khi Quốc khuyển của Việt Nam được tôn vinh trước thế giới, đó sẽ là niềm tự hào không chỉ của người dân Đảo Ngọc mà còn là sự vinh danh lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Lam Ngọc (Sưu tầm và tổng hợp)

Ảnh: Sơn Vũ

Published by

Recent Posts

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

26 phút ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

57 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

1 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

2 giờ ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago