Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2026, sau khi đã cấm dùng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng từ ngày 1/1/2018.
Động thái trên được đưa ra trong các tuyên bố nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc đang đe dọa tới sức khỏe, tính mạng con người, được nêu tại “Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Từ chính sách đến hành động” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, ngày 5/12.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự lây truyền của vi khuẩn kháng thuốc đã dẫn đến việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trở nên kém hiệu quả hoặc thất bại, tác động không tốt tới lâm sàng và thậm chí dẫn tới tử vong. Đến năm 2050, ước tính có thể có tới 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới nếu tình trạng kháng thuốc trên người và động vật không được ngăn chặn.
“Kháng thuốc đang là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu, đòi hỏi hành động quyết liệt của các cấp, các ngành. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu về sức khỏe của nhân loại và của cộng đồng đang phải đối mặt” – ông Khuê cho hay.
Theo ông Khuê, việc sử dụng lạm dụng kháng sinh gây ảnh hưởng tới khả năng điều trị, bảo vệ sức khỏe của con người do kháng kháng sinh (kháng thuốc) gây ra. Đã đến lúc cần thay đổi nhận thức và thực hành về việc sử dụng kháng sinh để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y và cộng đồng hiện nay.
“Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và kháng thuốc, tìm được một kháng sinh đã khó, giữ, bảo vệ nó còn khó hơn. Ngày nay chúng ta không hành động, ngày mai sẽ rất khó khăn khi nhìn người bệnh vật vã, đau đớn mà không có thuốc chữa” – ông Khuê nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay việc phòng chống kháng kháng sinh cần sự liên kết của các bộ, ngành liên quan như: Tài nguyên và Môi trường, Công thương và đặc biệt là các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, khối tư nhân trong và ngoài nước.
Ông Hoan cho hay Bộ NN&PTNT đã không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi và sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ 1/1/2026 theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
“Như vậy, từ năm 2026 trở đi, kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị dự phòng, điều trị bệnh động vật khi vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y”, ông Hoan khẳng định.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng việc đưa chính sách vĩ mô đến thực thi ở các địa phương là hết sức quan trọng. Theo bộ này, cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế để duy trì hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành chia sẻ thông tin về đề kháng thuốc sử dụng tiêu thụ thuốc kháng sinh vi sinh vật giữa bộ, ngành và các đối tác có liên quan từ Trung ương đến địa phương; xây dựng các Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá đối với lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và công thương.
Hiện 4 tổ chức quốc tế bao gồm: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) đã đưa ra “Kế hoạch hành động chung về Một Sức khỏe (2022 – 2026)” nhằm cùng nhau hợp tác vì sức khỏe của con người, động vật và môi trường, trong đó đối phó với tình trạng kháng thuốc là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.
Tại hội nghị, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley giới thiệu về Quỹ Fleming, được thành lập từ năm 2015 của Chính phủ Anh, chương trình trị giá 265 triệu bảng Anh xử lý hoạt động phòng chống kháng thuốc ở các nơi trên thế giới. Từ 2019, Quỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường hơn nữa các hệ thống giám sát kháng thuốc. Các chuyên gia, quản lý chương trình dự án đã xác định các ưu tiên trong hệ thống giám sát tại Việt Nam, phòng chống kháng kháng sinh tại người và động vật trong khuôn khổ Một sức khỏe – One health.
Trong 22 trường hợp viêm phổi nặng được xét nghiệm, sàng lọc tại tỉnh Bình…
Cầu Tứ Liên có chiều dài khoảng 11,5km, tổng mức đầu tư được tạm tính…
Tại thời điểm thống kê, xác định dịch bệnh, 58/100 con lợn giống cấp trong…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…