Hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng có hàm lượng methanol trong máu cao, giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp,…
Những ngày qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tiếp nhận 7 trường hợp đều có biểu hiện bị nhiễm độc rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol).
Trong 7 trường hợp này, có 1 trường hợp chủ ý uống rượu pha cồn công nghiệp; 1 trường hợp do súc miệng bằng cồn công nghiệp; 5 người do uống loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ trôi nổi trên thị trường.
Trong quá trình điều trị, đến nay đã có 1 trường hợp hồi phục tốt, 3 trường hợp đang hồi phục và 3 trường hợp còn lại vẫn đang trong tình trạng hôn mê.
Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), việc có nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol tại Hà Nội đang rất đáng báo động.
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), người sử dụng sẽ không thể phân biệt được rượu nào chứa methanol nếu như chỉ nhìn và nếm thử. Rượu chứa methanol có giá thành rất rẻ, chỉ cần pha methanol (cồn công nghiệp) vào nước là đã thành rượu có hàm lượng methanol rất cao.
Bác sĩ Nguyên cũng cho hay sản phẩm rượu của các hãng có tem, mác, địa chỉ và số điện thoại của cơ sở sản xuất rõ ràng thì xác suất chứa methanol rất thấp, nếu là rượu nấu bằng phương pháp truyền thống thì chưa phát hiện trường hợp ngộ độc do methanol.
Mới đây, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng đã xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải (huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã làm 9 người tử vong, gần 50 người bị ngộ độc vì methanol. Theo kết quả kiểm nghiệm từ Viện ATVSTP, những mẫu rượu mang đi xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol vượt 237, 278 lần so với ngưỡng tối thiểu bình thường trong cơ thể con người.
Vụ việc xảy ra vào ngày 10/2, khi gia đình ông Phu Vằn Lèng (60 tuổi, tại bản Tả Chải) làm cơm rượu và mời nhiều người trong xã đến ăn, uống rượu. Đến tối cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong ngay trong đêm. Người dân trong xã sau đó đã đến giúp gia đình ông lo ma chay và ăn cơm, uống rượu tại đây từ ngày 11-13/2. Nhiều người sau đó đã bị đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử (giống như các dấu hiệu của ông Lèng).
Sự việc khiến nhiều người thực sự lo ngại. Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), ngộ độc methanol trong rượu có dấu hiệu gia tăng về số lượng và mức độ nặng. Trước đây, các bác sĩ của trung tâm có một thống kê, trong 2 năm, trung tâm tiếp nhận 30 người ngộ độc methanol (tức là mỗi tháng có trên 1 trường hợp), nhưng thời gian gần đây thì 1-2 tuần lại gặp 1 trường hợp.
Methanol nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng gây mùa lòa, điếcMethanol còn gọi là rượu gỗ, trước đây được điều chế bằng cách phân hủy gỗ, nay được tổng hợp bằng hydro và carbon dioxit. Methanol không dùng để uống, mà dùng trong công nghiệp nên thường được gọi là cồn công nghiệp. Cần lưu ý rằng loại rượu duy nhất để uống tên là rượu ethanol, có chứa cồn ethanol. Khi sản xuất không đúng quy trình hoặc vì lợi nhuận mà pha thêm methanol thì khả năng ngộ độc methanol rất lớn, nhất là rất khó dùng mắt thường và nếm thử để kiểm tra trong rượu có chứa methanol hay không. Nguy hiểm hơn, ngộ độc methanol rất dễ bị nhầm lẫn với say rượu thông thường. Tùy theo lượng methanol vào trong cơ thể mà người sử dụng sẽ có biểu hiện ngộ độc nhanh hay chậm, có trường hợp trong 1-2 ngày, có trường hợp 1-2 tuần; tuy nhiên, nếu càng để lâu thì nguy cơ tử vong càng lớn và để lại những biến chứng như mù lòa và điếc. Ban đầu có thể chỉ có triệu chứng nhẹ như buồn nôn, nôn, đau bụng, khiến nạn nhân không chú ý nhiều. Sau khi uống rượu 12-24 giờ, các triệu chứng bắt đầu nặng lên, như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đặc biệt là nhìn mờ, nhìn thấy toàn màu trắng (tựa như đang trong cơn bão tuyết). Đáng ngại là vào lúc này nhiều người thường đã hoàn toàn say và đi ngủ, do đó có nhiều trường hợp phát hiện ra thì đã quá muộn. Nếu được phát hiện và cấp cứu sớm, nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong sẽ càng thấp, vì vậy nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc methanol nào nên nhanh chóng tìm đến sự hỗ trợ y tế. Người tiêu dùng nên mua rượu, bia ở các cửa hàng, địa chỉ tin cậy, thận trọng khi mua các loại cocktail pha sẵn, rượu nấu tại gia đình, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ và các loại đồ uống có giá rẻ bất thường. |
Trần Tâm
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…