Mỗi ngày, lại xuất hiện thêm những tin tức về hàng giả, sản phẩm độc hại trên thị trường. Người dân trở nên lo sợ và cảnh giác hơn bao giờ hết. Nhưng khi ngay cả Viện chống hàng giả còn cấp phép cho công ty bán hàng giả (vụ thuốc của Vinaca) thì người dân sẽ còn biết bấu víu vào đâu?
Người Việt Nam hẳn đã rất quen thuộc với cụm từ “Hãy là người tiêu dùng thông thái” trên khắp các báo chí, quảng cáo sản phẩm. Nếu chỉ nghe qua, hẳn sẽ cảm thấy đó là câu nói rất bình thường, bởi nó nhắc nhở người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ khi chọn mua sản phẩm. Nhưng xét một cách sâu xa hơn, vậy vai trò của những cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở đâu khi người tiêu dùng phải tự biến họ thành “thông thái” để bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình? Quả bóng trách nhiệm có phải đang được đẩy một cách rất khéo léo từ cơ quan chức năng sang phía người dân?
“Khách hàng phải là những người thông thái trong hành vi mua sắm của mình, phải cân nhắc kỹ lưỡng về chất lượng sản phẩm, uy tín của nhà sản xuất, phải tìm hiểu xem nhà sản xuất có công bố rộng rãi, minh bạch các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm không, giá bán có cạnh tranh hay không… để tránh mua nhầm những sản phẩm không đúng như kỳ vọng,”
“Ranh giới giữa hàng tốt và không tốt rất mong manh. Vì vậy hãy là một người tiêu dùng thông thái, tỉnh táo trước các thông tin về sản phẩm cũng như cẩn trọng trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó.”
“Trong bối cảnh hiện tại khi thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng thật giả đen xen, vàng thau lẫn lộn thì việc tìm mua được sản phẩm chính hãng, chất lượng tốt đặc biệt là các loại thực phẩm, các sản phẩm sữa liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng cần được lưu ý và chú trọng hơn. Đứng trước tình hình này, mỗi ngày hãy nên chứng tỏ mình là một người tiêu dùng thông thái để chọn được sản phẩm chính hãng bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân của mình.”
Đó là những lời nhắc nhở thường xuyên được thấy trên các trang báo lớn tại Việt Nam. Mặc dù những lời nhắc là cần thiết để tăng mức độ “cảnh giác” và “tỉnh táo” của người tiêu dùng, nhưng cũng một cách vô tình, chính truyền thông đã phần nào khiến người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm cho việc mua hàng kém chất lượng, sản phẩm độc hại do lỗi của họ đã không chịu “thông thái”.
Người tiêu dùng dường như đã và đang được trao toàn bộ “trách nhiệm” kiểm nghiệm sản phẩm. Họ cần phải biết cách phân biệt tem hàng thật – hàng giả, phải biết cách đọc hiểu các thành phần ghi trên bao bì, phải minh bạch các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, phải tự tìm hiểu xem nhà sản xuất có uy tín không, sản phẩm có đúng là đã được chứng nhận y tế không, đã được cấp phép lưu hành hay chưa v.v.
Kể cả khi đã trở nên thông thái như vậy, họ vẫn rất dễ dàng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng khi tại Việt Nam, việc dùng tiền để mua bằng, mua giấy chứng nhận, mua giấy cấp phép đã là điều trở nên quen thuộc. Ấy mới có chuyện những “viên thuốc” chữa ung thư từ bột than của Vinaca mặc nhiên tràn lan thị trường và doanh nghiệp này thậm chí từng lọt “Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017”.
Tương tự, năm 2017, một vụ thu giữ 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã diễn ra tại Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam, trong khi công ty này từng có 2 sản phẩm được vinh danh giải thưởng “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng 2017” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức; cùng hàng chục ngôi sao đình đám trong làng giải trí Việt làm đại sứ thương hiệu.
Trong khi thực phẩm bẩn tràn lan khắp mọi nơi, thì trong giai đoạn 2011-2016 chỉ xử lý được 1 vụ hình sự với 3 bị cáo trong số 90 vụ, 148 bị cáo phạm tội về an toàn thực phẩm (theo Thống kê của Bộ Công an).
Người tiêu dùng sẽ vận dụng trí thông minh của mình ra sao khi xung quanh thực phẩm độc hại, hàng giả tràn lan và họ không có lựa chọn nào khác. Vấn đề thật sự ở đây là công tác quản lý đã hiệu quả hay chưa, cơ quan quản lý đã làm tốt chức trách của mình hay chưa? Nếu đã làm tốt thì người tiêu dùng có cần phải thông thái nữa hay không?
Hiện nay tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ năm 2011. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng cấp Trung ương có Bộ Công thương – Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường – Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng & Phòng kiểm soát hoạt động thương mại; cấp Địa phương có UBND cấp tỉnh – Sở Công thương (phòng Quản lý thương mại) – UBND cấp huyện.
Tuy nhiên, một khảo sát trực tuyến với hơn 1.200 người do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện vào năm 2015 cho thấy gần 90% số người cho biết họ không biết đến cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền người tiêu dùng, chỉ 2-3% người tiêu dùng sử dụng đến kênh khiếu nại hoặc khởi kiện khi mua phải những sản phẩm/dịch vụ ảnh hưởng có hại đến mình và người thân, và 70% số người không hài lòng với các cơ chế khiếu nại, khiếu kiện mà họ đã sử dụng.
Khảo sát cũng chỉ ra 83% số người cho rằng cần nâng cao nhận thức về quyền của người tiêu dùng, 78% cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp tại Hội thảo chống hàng giả ngày 30/3/2018 do Cục Quản lý thị trưởng tổ chức tại Tp HCM đã phản ánh rằng chính sự vào cuộc chậm trễ của các lực lượng chức năng cùng hệ thống thủ tục rườm rà đã làm tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán hàng nhập lậu có mối liên hệ với gia đình cán bộ các cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại công ty TNHH L’Oreal Việt Nam, cho biết: “Nhiều khi phát hiện sản phẩm giả, chúng tôi đã báo cáo sự việc với cơ quan chức năng nhưng phải tuân theo nhiều thủ tục khá phức tạp và có khi phải đợi đến 3 tháng cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra. Lúc đó, có khi sản phẩm đó đã không còn lưu thông”.
Thế nhưng, trớ trêu thay, bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã trả lời rằng: “Không phải chỉ cơ quan chức năng mà lỗi ở cả doanh nghiệp và người tiêu dùng khiến tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan như hiện nay. Người tiêu dùng cũng không chịu bỏ ra chi phí tương xứng để mua những sản phẩm chất lượng nên hàng giả mới vào Việt Nam nhiều như vậy!”.
Sự đổ lỗi của một người có chức năng quản lý trong chính quyền như bà Quỳnh có lẽ cũng không mới và lạ. Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về an toàn thực phẩm ngày 5/6/2017, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu vấn đề “tại sao văn bản quy phạm khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc ngày càng nhiều” và nhấn mạnh “phải kêu gọi lương tri của người sản xuất”.
Khi người ta không dám nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề, khi các văn bản luật được làm ra nhưng không phát huy được tác dụng của nó, khi trong chính quyền còn nhiều sự bao che, tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng, khi người dân không còn tin tưởng vào chính quyền và sự bảo vệ của luật pháp, khi đạo đức của cả xã hội ngày càng trượt dốc, thì người tiêu dùng sẽ còn tiếp tục phải gồng mình lên ‘thông thái” để tự bảo vệ cho bản thân và gia đình họ.
Tuệ Minh
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…