Nam bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, buồn nôn, đau bụng đi ngoài, rất nặng và nguy kịch. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Ngày 3/8, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ cho biết nam bệnh nhân M.T (SN 1978) được gia đình đưa cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu nặng, đau bụng, buồn nôn và đi ngoài phân lỏng 10 ngày kèm theo sốt cao liên tục 39-40 độ, có gai rét, có cơn rét run, hoa mắt chóng mặt. Tình trạng rất nặng và nguy kịch.
Tại đây, các xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Gia đình cho biết trước đó, nam bệnh nhân có ăn tiết canh và thịt lợn.
Vào viện, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, lọc máu liên tục, truyền huyết tương, khối tiểu cầu và các biện pháp điều trị tích cực khác.
Sau 21 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch, khỏi bệnh và đã được ra viện.
Phó chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm – TS.BS.Nguyễn Trọng Thế cho biết đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ động vật cho người.
Bệnh do một loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn lợn, tên khoa học là Streptococcus suis gây ra.
Vi khuẩn này chủ yếu gây ra bệnh ở loài lợn, nhưng cũng có thể lây truyền và gây bệnh cho người. Chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.
Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn và mắc bệnh chủ yếu là do tiếp xúc với lợn bị bệnh hoặc ăn các sản phẩm chế biến từ lợn bị bệnh chưa được nấu chín như tiết canh lợn, ăn thịt tái, nem, thịt nấu chưa chín kỹ.
Thông thường, thời gian ủ bệnh (từ khi phơi nhiễm đến khi phát bệnh) là từ vài giờ đến 3 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài đến 7-10 ngày.
Cũng theo bác sĩ Thế, bệnh thường có các biểu hiện chính gồm: sốt cao, có những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội.
Trường hợp bệnh nặng, nguy kịch sẽ xuất hiện các rối loạn tâm thần kinh; rối loạn tuần hoàn; rối loạn hô hấp; suy chức năng gan; suy chức năng thận; xuất huyết dưới da toàn thân dưới dạng mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc; xuất huyết nội tạng và nhiều rối loạn khác. Nếu không được phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Những người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn, khi phát hiện có một trong những triệu chứng trên, cần khẩn trương đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Theo khuyến cáo của BS Thế, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay, thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.
Không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết. Phải tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng đúng cách theo quy định đối với lợn bệnh, lợn chết.
Người dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín; luôn ăn thức ăn nấu chín, hợp vệ sinh.
Tương tự, ngày 31/7, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận 1 trường hợp bị điếc đột ngột do mắc liên cầu lợn.
Ngày 1/8, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, suy đa tạng do nhiễm liên cầu lợn.
Tiếp đến, sáng cùng ngày (3/8), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng điều trị cho một bệnh nhân nữ bị sốc nhiễm khuẩn – nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não do liên cầu lợn.
Cả 3 trường hợp này trước đó đều đã từng ăn món lòng lợn, tiết canh, cũng như mua và chế biến thịt lợn bị nhiễm bệnh.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…