Việt Nam

Nhiều phụ huynh thắt chặt chi tiêu để chuẩn bị cho con vào mùa tựu trường

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Việt Nam sẽ bước vào mùa tựu trường. Nhiều phụ huynh đã phải thắt chặt chi tiêu và dành dụm tiền để nộp cho con cũng như mua sắm đồng phục, sách vở…

Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Cừ trong lễ khai giảng ngày 5/9/2022. (Ảnh: Trường THCS Nguyễn Văn Cừ/Facebook)

Chị S. (một nhân viên văn phòng sống tại Bắc Ninh) cho biết với mức lương 6 triệu nhưng phải nuôi 2 con nhỏ, chị phải buôn bán thêm để “gồng gánh” gia đình. Chồng chị là môi giới bất động sản và kinh doanh online, đợt vừa rồi cũng gặp nhiều khó khăn do bất động sản gần như đóng băng. Nếu không có ông bà nội ngoại phụ giúp chị không biết phải xoay sở như thế nào khi con trai lớn bước vào năm học mới.

Chị cho biết: “Chưa đến ngày khai giảng, nhưng cô giáo đã gọi các bé đi học từ đầu tháng 8, cô nói là để các bé quen dần với lớp và nề nếp, nhưng cũng phải tốn ít nhất hơn 1 triệu đồng bao gồm cả tiền ăn. Tuy nhiên, khai giảng xong tôi mới cho con đi học nên cũng tiết kiệm được một khoản”.

Chị N.M (sống tại TP.HCM) từng là trưởng ban phụ huynh lớp cho biết: “Trường con mình học không có nhũng nhiễu gì cả. Cả 2 trường cấp 1 và 2 đều thế. Nhà trường thậm chí còn không cho phụ huynh lập group, lập quỹ lớp. Không có quỹ lớp, trưởng ban phụ huynh sẽ chẳng có việc gì để làm. Thực ra mình thấy cũng hơi cực đoan, cho nên mình vẫn thu quỹ lớp, chỉ 200.000 đồng/người cho 1 năm học thôi. Tiền này để mua quà 20/11 và liên hoan cho các bé”.

Chị M. cũng cho biết quỹ lớp là tự nguyện, phụ huynh nào không đóng thì cũng không ai có quyền bắt đóng, cho nên ở lớp mà chị làm trưởng phụ huynh cũng có một số ít người không đóng quỹ này.

Một nam phụ huynh tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Lớp con mình năm nay lên lớp 2, học trường công nên cũng đỡ được khoản học phí, các khoản tiền khác thì chưa thấy thông báo gì, tiền sách giáo khoa đã mua ở trường (khoảng hơn 500.000 nghìn đồng) từ trước lúc con nghỉ hè. Năm nay trường lại thay đồng phục, nhưng chưa thấy cô giáo nhắn gì về việc có phải thay đồng phục mới không. Mình chỉ thấy các bạn lớp 1 hàng xóm mua đồng phục khác với loại con mình mặc năm ngoái. Còn quỹ lớp năm nay thì chắc phải vào học ổn định lớp rồi mới họp phụ huynh mới thống nhất nộp, năm ngoái thì mỗi học kỳ nộp 500.000 nghìn đồng.”

Chị D.X hiện đang sống ở Hà Nội chia sẻ với Trí Thức VN: “Việc phụ huynh phải ‘gồng mình’ vì quỹ lớp phần lớn ở Hà Nội thôi, Sài Gòn ít hơn. Hồi con mình học trong Sài Gòn quỹ lớp cộng quỹ trường có 100.000 đồng/năm. Lớp đóng giá để sách giáo khoa cho các con không phải mang đi nhiều hàng ngày nên đóng thêm 100.000 đồng nhưng cũng không bắt buộc tuỳ phụ huynh ai muốn đóng thì đóng còn lại thầy giáo bao hết”.

“Khi con mình học cấp 3 ở Hà Nội thì khác, lớp thường có chừng 50 học sinh, con mình học lớp quốc tế có gần 20 học sinh, nên quỹ khủng khiếp lắm, lớp thường chừng 1.5 triệu/năm, lớp quốc tế 10 triệu/ năm. Họ nói vì lớp mình ít bạn quá nên bị cộng vào cho đủ chi phí như lớp khác.”

“Đi học phụ huynh ở Hà Nội ngộ lắm. Giáo viên nói chán chê về thành tích của trường của lớp xong đến phần quan trọng nhất là quỹ lớp thì ra ngoài. Lúc này hội trưởng hội phụ huynh sẽ lên liệt kê các khoản thu chi và quyết định tiền quỹ kỳ tới. Hồi mình họp phụ huynh cho con trong Sài Gòn thầy giáo ở đó nói từ đầu đến cuối kể cả phần quỹ lớp. Hồi đó họ muốn thu tiền quỹ phụ huynh mua cái loa mới mà có bác phụ huynh lên nói ‘tôi đã đóng phí cho loa đài của trường 8 năm trước rồi’ sao giờ đòi thu nữa, 8 năm sao đã phải thay mới. Thế là thầy giáo bảo ý nhà trường tham khảo thế, còn các bác không muốn đóng thì thôi, thế là không thu vụ loa đài”.

Một phụ huynh khác ở Hà Nội cũng cho biết con chị học cấp 3 phải đóng quỹ phụ huynh  quỹ trường 4 triệu/năm.

Anh H. (một phụ huynh sống tại quận Long Biên, Hà Nội) thì cho biết cả năm anh cày cuốc, mỗi tháng đưa cho vợ 5-7 triệu đồng để đưa vợ lo cho con, con trai anh cũng phải đi học trước một tháng trước khai giảng.

Ngày 13/5 vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã đề nghị các ban ngành liên quan nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định về mức thu học phí trong năm học 2024-2025. Các khoản thu ngoài học phí được chỉ thị phải theo đúng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành. Riêng đối với các trẻ học mầm non dưới 5 tuổi thì được miễn học phí, bắt đầu từ ngày 1/9/2024.

Tổng cục Thống kê thừa nhận giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của các hộ gia đình tại Việt Nam. Chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi tiêu đời sống, chi tiêu cho giáo dục đang là một gánh nặng đối với phần đông các hộ gia đình Việt Nam hiện nay, bất kể con của họ học trường công hay trường tư.

Tổng Cục thống kê cho rằng từ góc độ chính sách, các cơ quan nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách giáo dục – đào tạo để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, vốn cũng là niềm mong mỏi của phụ huynh tại Việt Nam mà bấy lâu nay chưa được đáp ứng.

Khánh Vy (t/h)

Khánh Vy

Published by
Khánh Vy

Recent Posts

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…

28 phút ago

Kinh tế tuần 18-22.11: Vàng tăng phi mã, tỷ giá kịch trần

Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…

2 giờ ago

Trung Quốc tăng gấp ba lần lượng uranium nhập khẩu từ Nga

Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…

3 giờ ago

Luật sư nhân quyền TQ kể chuyện bị tra tấn bức hại vì ủng hộ Pháp Luân Công

Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…

3 giờ ago

Cựu tổng thống Nga Medvedev chỉ ra cách chấm dứt xung đột ở Ukraine

Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…

3 giờ ago

Cố gắng thay đổi điều bất khả…

Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…

4 giờ ago