Giới chức tỉnh Quảng Trị đang tiến hành thay đổi thông tin trên bia mộ liệt sĩ, ước tổng cộng 24.720 bia mộ. Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị đang trình lên Bộ LĐTB&XH hỗ trợ kinh phí khoảng 13,8 tỷ đồng.
Ngày 8/7, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị – ông Lê Nguyên Hồng cho biết tỉnh Quảng Trị đang tiến hành việc thay đổi thông tin trên bia mộ liệt sĩ theo quy định.
Tổng cộng tỉnh Quảng Trị có 24.720 ngôi mộ cần phải thay đổi thông tin trên bia, trong đó có 20.501 bia mộ đang ghi “Mộ liệt sĩ chưa biết tên” hoặc “Mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính”.Những ngôi mộ này sẽ được ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC.
Để thực hiện việc này, Sở LĐTB&XH có tờ trình đề nghị Bộ LĐTB&XH hỗ trợ kinh phí cho tỉnh khoảng 13,8 tỷ đồng (mức 650.000 đồng/mộ).
Trong 2 năm 2021-2022, việc “chuẩn hóa thông tin” đã được tỉnh này thực hiện với 6.892 bia mộ liệt sĩ, tổng kinh phí là 4,515 tỷ đồng.
Để hoàn thành việc “chuẩn hóa thông tin” này, tỉnh Quảng Trị mới đây có văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh trong năm 2023 để hoàn thành việc khắc lại và điều chỉnh thông tin trên 13.591 bia mộ liệt sĩ còn lại với tổng kinh phí là 8,850 tỷ đồng.
Quảng Trị là nơi có 2 nghĩa trang lớn là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, trong đó Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 có nhiều ngôi mộ tập thể và hàng ngàn mộ chiến sĩ chưa xác định danh tính, theo lời tự giới thiệu của ban quản lý.
Bốn ngày trước, ngày 5/7, tại cuộc làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu “thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ”.
“Không liệt sĩ nào là vô danh, những liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Vì vậy việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không để “vô danh” nữa.
Năm 2023 phải hoàn thành điều chỉnh thông tin 24.720 mộ liệt sĩ thống nhất theo mẫu tên, cùng một loại đá, làm đẹp, làm dày dặn, chữ khắc sâu”, ông Dung nói.
Trước thông tin này, trên mạng xã hội Facebook, nhiều người bày tỏ các ý kiến trái chiều. Nhóm người phản đối cho rằng việc thay đổi nội dung bia mộ liệt sĩ là không cần thiết khi bia mộ mới vẫn không hề có tên. Theo nhà báo Nguyễn Tiến Tường, thay vì đục bia “vô danh” để thay bằng bia cũng không có tên, nên dùng tiền đó để đầu tư thêm cho việc tìm kiếm liệt sĩ hoặc chăm lo tử tuất cho gia đình họ.
Nhà thơ Lưu Trọng Văn cho hay hai chữ “vô danh” không phải hiểu là không có tên mà ai cũng biết là người chết trong trận chiến mà không phân biệt được là ai.
Theo ông Văn, nếu cần đổi “vô danh” sang văn phong chữ Việt có thể chọn câu: “Liệt sĩ chưa biết tên” như hầu hết các bia mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ đã tự sửa. Còn “nấm mồ với dòng chữ dài ngoằng “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” rất vô hồn”.
Ngược lại, nhà báo Thu Uyên (Đài Truyền hình Việt Nam – VTV) thể hiện ý kiến đồng tình với việc sửa bia mộ, cho rằng sửa từ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa biết tên” là việc nhân văn, thể hiện sự tôn trọng với người đã chết và những người thân còn sống. “…Trong khi năm nào đến 27/7 các tỉnh cũng cắt ngân khoản lớn cho việc lắp đèn nhấp nháy với lại gắn hoa giả cho các ngôi mộ để làm gì?”, bà Uyên viết.
Bà Uyên cho hay chủ trương thay cách gọi tên Liệt sĩ vô danh và thay lời khắc trên bia mộ thành “Liệt sĩ chưa biết tên”, “Liệt sĩ khuyết thông tin” là do bà Nguyễn Thị Kim Ngân khi còn làm Bộ trưởng LĐTB&XH đề ra vào năm 2010-2011. Với chi phí ước tính 500.000 đồng/bia sửa cho 24.720 ngôi mộ, bà Uyên cho rằng tổng kinh phí chỉ hơn 12 tỷ đồng.
Trả lời nhà báo Thu Uyên, một người bạn cho rằng vấn đề không phải là tiền, tiện dịp hãy sửa còn lập kế hoạch phải xin ngừng, hãy để cho họ an nghỉ.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…