Trong thông báo phát ngày 31/1 – tức ngày 29 Tết, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – ông Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhanh chóng cấp phép cho các hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam về nước, nhất là từ các nơi còn nhiều người đang “mắc kẹt”.
Yêu cầu trên được đưa ra vào ngày cuối cùng của năm 2021 tính theo âm lịch/nông lịch, một ngày trước khi người dân Việt Nam bước sang năm mới Nhâm Dần 2022.
Trong ngày 31/1, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản số 429 đến Bộ GTVT, trong đó nêu: “Ngày 31/1/2022, Văn phòng Chính phủ có thông báo về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về giải pháp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước”, đồng thời nhắc lại việc Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương cấp phép cho hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam về nước.
Cục này đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ “dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về nhập cảnh đối với công dân Việt Nam khi về nước, không giới hạn loại hình (hàng không, hàng hải…), hình thức vận chuyển (thường lệ, không thường lệ)”, theo tin từ TTXVN.
Tối cùng ngày, 31/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký Công văn số 1129 gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Cục này chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các bộ, ngành và địa phương liên quan nhanh chóng cấp phép cho hãng hàng không chở công dân Việt Nam về nước, nhất là từ các nơi vẫn còn nhiều công dân Việt Nam đang “mắc kẹt”.
Lệnh yêu cầu cấp phép cho hãng bay nước ngoài đưa người Việt Nam về nước của ông Chính được đưa ra 4 ngày sau khi Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 4 cán bộ cấp cao thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Bốn người gồm: Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng; Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh; Phó Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) Lưu Tuấn Dũng bị cáo buộc đã nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay “giải cứu” công dân trong thời gian đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Bốn người trên bị bắt tạm giam hôm 27/1.
Vụ khởi tố bất ngờ được công bố sau nhiều nghi vấn được dấy lên rằng có hay không sự trục lợi trên các chuyến bay “giải cứu” người Việt về nước. Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 20/1, phóng viên đặt câu hỏi rằng báo chí đang phản ánh người Việt về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay giải cứu, quan điểm của Bộ Ngoại giao thế nào?
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng cho hay “Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội”.
Bà Hằng khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào để tránh bị lừa đảo.
Về con số thống kê, bà Hằng cho biết trong gần 2 năm qua, gần 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được đưa về nước theo 800 chuyến bay.
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online ngày 8/9/2020 cho hay Vietnam Airlines công bố trên trang web chính thức của doanh nghiệp rằng có những chuyến bay chi phí “giải cứu” lên đến trên 10 tỷ đồng. Chi phí này được hãng lý giải là do dành cho việc lắp đặt thêm nhiều thiết bị y tế hỗ trợ bệnh nhân như máy lọc không khí, máy thở, máy khí dung, giường bệnh dã chiến, buồng áp lực dương (để giảm nguy cơ phát tán virus); bọc kín nylon toàn bộ ghế ngồi và đặt sẵn khăn ướt tẩm cồn cùng các vật dụng cá nhân cần thiết…
Ngày 14/1 vừa qua, báo Việt Nam Net dẫn ý kiến của ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không (VABA) rằng khi cơ quan quản lý đã đồng ý mở bay thương mại quốc tế định kỳ thì cần chấm dứt bay combo hay còn gọi là các chuyến bay giải cứu, bay charter. Ông Nề lý giải bởi hành khách phải trả chi phí quá cao, dễ phát sinh cơ chế xin cho, tiêu cực. Đồng thời, nếu vẫn bay charter thì có khả năng các chuyến bay quốc tế thương mại định kỳ sẽ bị gây khó dễ (vì không có lợi đối với những tổ chức, cá nhân tổ chức bay charter).
Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao, hiện nay còn khá nhiều công dân Việt Nam đang bị mắc kẹt ở các nước. Đặc biệt tại khu vực Trung Đông-châu Phi, có khoảng hơn 600 công dân đang bị mắc kẹt, không thể về nước, theo một bản tin đăng trên báo Chính Phủ ngày 31/1. Trong đó, tại Saudi Arabia có khoảng 200 người, tại Angola có 150 người, tại UAE có 85 người, số còn lại rải rác tại các quốc gia khác trong khu vực.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…