Việt Nam hiện là quốc gia Asean duy nhất vẫn chưa công khai liệu họ có sử dụng vắc-xin Sinovac hay Sinopharm của Trung Quốc hay không. Quốc gia này đã bắt đầu tiêm chủng vào thứ Hai bằng vắc-xin AstraZeneca do Anh – Thụy Điển phát triển. Các nhà phân tích cho rằng tâm lý chống Trung Quốc trong công chúng và căng thẳng ngoại giao là hai yếu tố đằng sau sự e dè đối với vắc-xin Trung Quốc.
Việt Nam là quốc gia có tổng số ca nhiễm virus Vũ Hán được báo cáo thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á. Quốc gia này bắt đầu khởi động đợt tiêm chủng vào ngày 8/3 với hơn 117.000 liều vắc-xin do tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh – Thụy Điển phát triển.
Ban đầu, chương trình sẽ được tiến hành ở 18 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 và ở những khu vực có số lượng các ca nhiễm cao, theo Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long.
Theo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, vắc xin AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả trung bình là 70%, trong khi vắc xin Sputnik V của Nga là khoảng 92%. Tại Israel, thử nghiệm thực tế về vắc xin Pfizer / BioNTech mà Việt Nam cũng đã phê duyệt để sử dụng khẩn cấp cho thấy loại vắc-xin này có hiệu quả 94%.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc cho biết vắc-xin do công ty sản xuất có tỷ lệ hiệu quả là 72,5%.
Đối với Sinovac, một thử nghiệm nhỏ hơn được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vắc-xin này hiệu quả hơn 91%.
Tuy nhiên, trong một thử nghiệm trên các nhân viên y tế ở Brazil, người ta phát hiện ra vắc-xin Sinovac của Trung Quốc chỉ đạt hiệu quả 50,6%. Hồi tháng 11, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố không muốn người dân trở thành “chuột lang thí nghiệm” cho vắc-xin Trung Quốc.
Ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới đối với hiệu quả của vắc-xin ngừa COVID-19 là 50%, mặc dù mỗi quốc gia đều có những ngưỡng riêng của mình.
Tờ SCMP đã phỏng vấn một số người, bao gồm chị Hoàng Cẩm Hằng, 25 tuổi, cư dân Hà Nội, làm việc cho một tập đoàn phi lợi nhuận liên quan đến chăm sóc sức khỏe về quan điểm đối với vắc-xin COVID. Chị Hằng cho biết vắc-xin Trung Quốc là lựa chọn cuối cùng “nếu không còn lựa chọn nào khác.”
Nguyễn Phương Linh, phó giám đốc công ty tư vấn toàn cầu Control Risks, cho biết chính sách ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc đã thất bại với Việt Nam chủ yếu là do công chúng có tình cảm chống Trung Quốc, theo SCMP.
“Ngay từ đầu đại dịch, loại virus này đã được thông báo rộng rãi ở Việt Nam rằng nó xuất phát từ Trung Quốc. Kể từ đó, thái độ chống Trung Quốc vốn đã mạnh mẽ [càng] không có dấu hiệu suy giảm,” chị Linh nói.
Bắc Kinh đã cam kết đưa vắc-xin trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu và ưu tiên tiếp cận các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối 10 thành viên ASEAN chưa công khai sẽ sử dụng vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.
Tại các quốc gia Đông Nam Á khác, vắc-xin Trung Quốc đã được đưa vào sử dụng. Indonesia vào tháng 1 đã khởi động một chương trình tiêm chủng đại trà với vắc-xin Sinovac và đã tiêm gần 3,2 triệu liều trong tuần qua. Nước này còn tuyển 4.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với loại vắc-xin khác do Công ty Dược phẩm sinh học An Huy Zhifei Longcom của Trung Quốc sản xuất.
Malaysia đã chấp thuận sử dụng vắc-xin Sinovac, trong khi Singapore đã nhận lô hàng nhưng chưa cho phép sử dụng. Brunei đã nhận được vắc-xin tài trợ của Sinopharm, trong khi Thái Lan, Lào, Campuchia và Philippines đều đã bắt đầu sử dụng vắc-xin Sinopharm hoặc Sinovac. Myanmar đã được Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hứa cung cấp vắc-xin Trung Quốc trong chuyến thăm Myanmar vào tháng Giêng, mặc dù chưa có chuyến giao hàng nào được thực hiện.
Theo SCMP, mặc dù có chung hệ tư tưởng, nhưng mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Việt Nam không êm ấm, đặc biệt người dân Việt Nam vẫn giữ thái độ ác cảm âm ỉ đối với Trung Quốc. Điều này bắt nguồn từ cuộc chiếm đóng kéo dài hàng thế kỷ của Trung Quốc tại Việt Nam, cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, vấn đề sông Mekong, cũng như các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Để chương trình tiêm chủng đạt được sự đồng thuận cao trong dân chúng, người dân phải tin tưởng vào loại vắc-xin được sử dụng. Vì vậy, tờ báo nhận định đây có thể là lý do vắc-xin Trung Quốc không được lựa chọn.
Bên cạnh việc sử dụng vắc xin AstraZeneca và phê duyệt vắc xin Pfizer-BioNTech và Sputnik V để sử dụng khẩn cấp, Việt Nam cũng đang phát triển 4 loại vắc-xin sản xuất trong nước, với hai loại đã được thử nghiệm trên người. Một trong số đó là vắc-xin Nano Covax của Công ty Công nghệ sinh học dược phẩm Nanogen có trụ sở tại TP HCM, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người và dự kiến sẽ được chấp thuận sử dụng khẩn cấp vào giữa năm nay.
Xuân Lan
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…