Tối muộn ngày 18/12, Bộ Công an Việt Nam phát thông báo đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) cùng các thuộc cấp để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19.
Trước khi thông báo trên được phát công khai, báo nhà nước đồng loạt dẫn lời của người phát ngôn Bộ Công an – Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an về vụ việc trên. Ông Xô cho hay Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan.
Tính đến tối 18/12, 7 người đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam, gồm:
Kèm thông tin khởi tố, Bộ Công an công bố các bị cáo là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận rằng:
“[Trong] quá trình kinh doanh và tiêu thụ Kit xét nghiệm COVID do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm Kit test COVID-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, [Phan Quốc Việt] thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên danh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn”.
Nội dung thông báo đăng trên trang web của Bộ Công an giống gần như nguyên văn với thông báo của Trung tướng Tô Ân Xô do các báo đăng tải.
Giá kit test COVID-19 do Công ty Việt Á định giá là 470.000 đồng/kit. Theo Bộ Công an, giá này được xác định sau khi đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, để TGĐ Việt và các nhân viên Công ty Việt Á thu lợi nhuận bất chính và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Theo Bộ này công bố, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định sai phạm qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng do Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương, số tiền chi % ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương – ông Phạm Duy Tuyến là gần 30 tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của ông Việt và các bị can thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản tại TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của ông Tuyến…
Với đợt bùng phát dịch (lần 4) lớn nhất kéo dài từ cuối tháng 4 tới nay, giá xét nghiệm COVID-19 là một trong những vấn đề “nổi cộm” khi giấy xét nghiệm âm tính trở thành “giấy thông hành” do tình trạng phong tỏa theo các Chỉ thị 15, 16.
Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương (ngày 26/9), ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng giá bộ test xét nghiệm nhanh COVID-19 mua tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/test (tương đương khoảng 35.000 đồng/test), báo Thanh Niên đưa tin.
Ông Hồng Anh nêu hiện các các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000 – 70.000 đồng/bộ; điều này sẽ dẫn đến rất lãng phí tiền của. Vì vậy, ông Hồng Anh đề nghị Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc này.
Nói rõ hơn sau cuộc họp, vẫn theo bản tin của Thanh Niên, ông Hồng Anh cho hay giá 1,5 USD/test nói trên là giá mua tại nước ngoài; nếu tính chi phí về đến Việt Nam (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác) mỗi test giá cũng chỉ khoảng 50.000 đồng.
Sau thông tin trên, Bộ Y tế công bố bộ này “chưa thực hiện việc mua sắm test kháng nguyên nhanh”, các đơn vị “chủ yếu sử dụng test do các đơn vị tài trợ”, theo Sức Khỏe & Đời Sống ngày 28/9. Giá sau ngày 1/7 là tính theo giá doanh nghiệp đấu thầu.
Theo Vnexpress ngày 2/10, sau cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Y tế cho biết chi phí xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm… Trong đó, giá của kit test phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.
Giá xét nghiệm được Bộ Y tế công bố rằng trước ngày 1/7, 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm test nhanh, 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm Real-time PCR; sau ngày 1/7, khi Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế thanh toán theo hình thức thực thanh thực chi dựa trên kết quả đấu thầu kít của các địa phương, chi phí test nhanh tại các cơ sở y tế từ 150.000 – 300.000 đồng; chi phí xét nghiệm PCR là 700.000-800.000 đồng/1 mẫu đơn; xét nghiệm gộp 10 mẫu dao động 200.000 đồng/1 mẫu…
Mặc dù vậy, tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 7/8, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết trong 4 bất cập mà các doanh nghiệp thuộc hiệp hội phải đối mặt để tồn tại, chi phí xét nghiệm COVID-19 được nhắc đến đầu tiên do phải test nhanh 3 ngày/lần và test PCR 7 ngày/lần cho người lao động với mức giá cao.
Hiệp hội này cho hay theo phản ánh của DN, giá bộ test nhanh nhập về khoảng 100.000 đồng/bộ, nhưng giá test cho DN với hợp đồng từ 100 người trở lên ở mức 280.000 đồng/bộ, mức giá test ở phòng khám khi thực hiện test lẻ từ 300.000 – 350.000/bộ. Ở tỉnh Đồng Nai, chi phí xét nghiệm RT-PCR cho công nhân tăng cao từ khoảng 1,5 triệu đồng-2 triệu đồng/người.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…