Chưa đến nửa năm sau khi trùng tu, 2 di tích tháp Bắc và tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ đã có hiện tượng muối hóa, rêu xanh, dấy lên lo ngại về chất lượng gói thầu thi công hơn 12 tỷ đồng.
Khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ ở xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) gồm ba tháp Champa: Tháp Bắc, Giữa và Nam. Cụm tháp Khương Mỹ được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm (khoảng cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10) và được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1989.
Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi Tháp Bắc, Tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, kinh phí 12,6 tỷ đồng. Viện Khoa học công nghệ xây dựng thi công từ năm 2019, cuối năm 2022 hoàn thành. Nhà thầu giám sát là công ty TNHH MTV thiết kế và Xây dựng Mỹ Gia (TP Hội An, Quảng Nam). Sở Xây dựng Quảng Nam được giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra nghiệm thu dự án.
Các hạng mục được trùng tu gồm phát quang bụi rậm xung quanh tháp, xử lý diệt cỏ dại trên thân tháp; hạ giải các khối xây sạt lở mất khả năng liên kết; phục hồi khối xây mặt ngoài tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng phương pháp mài chập với chất kết dính là dầu rái; tu bổ khối xây lõi tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng vữa truyền thống… Ngoài ra, tháp còn được tu bổ các chi tiết chạm khắc soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp; chống mối mọt nền toàn bộ lòng tháp và bên ngoài tháp.
Gạch dùng để tu bổ tháp Chăm Khương Mỹ có nguồn gốc từ Bình Định, được công ty cổ phần An Lạc Tiến (trụ sở tại Tam Kỳ, Quảng Nam) thí nghiệm chất lượng gạch trước khi sử dụng.
Tháp Bắc cao 16,9 m, được trùng tu với diện tích 57 m2; Tháp Giữa cao 18,7 m, được trùng tu 75 m2. Vật liệu gồm gạch, vôi và dầu rái.
Sau chưa đầy nửa năm, đến nay gạch trên nhiều mảng tường của hai tháp bám nhiều muối, cả mặt ngoài và phía trong. Một số mảng tường bám rêu xanh.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết cụm tháp Chăm đã có từ 1.000 năm, khi trùng tu đưa vật liệu mới vào thì xuất hiện muối trên bề mặt gạch. Muối có trong đất làm gạch, sau thời gian sử dụng thì lộ ra bên ngoài. Hiện tượng rêu mốc do tháp Khương Mỹ bị ảnh hưởng của mạch nước ngầm hồ Phú Ninh cùng thời tiết mưa gió.
Theo ông Thành, muối không ảnh hưởng đến kết cấu tháp, chỉ gây mất mỹ quan. Do dự án đang trong thời gian bảo hành, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị thi công là Viện Khoa học công nghệ xây dựng vào khảo sát, đưa ra cách khắc phục.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam, lại cho rằng về lâu dài muối sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạch, mà chất lượng gạch là yếu tố then chốt trong trùng tu di tích.
Minh Long
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.