Khảo sát sự cố đập chính tại hồ Núi Cốc cho thấy, hệ số thấm vượt mức cho phép, dòng thấm về hạ lưu lớn hơn mức bình thường.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2014, khu vực đập chính hồ Núi Cốc bắt đầu có vết thấm nhỏ nhưng không gây nguy hiểm. Đến tháng 4/2017, nước thấm qua đập chính lan rộng, công ty đã báo với Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh.
Chiều ngày 20/6, tỉnh Thái Nguyên đã cho khoan thăm dò khảo sát để chốt phương án sửa chữa đập chính hồ Núi Cốc, khu vực đập được tăng cường kiểm soát.
Ở vai đập phía bờ trái, nước thấm qua thành rãnh nước nhỏ. Mái hạ lưu đập chính bờ phải cũng bị thấm. Rãnh thoát nước hạ lưu bị đổ gãy dài 200m, mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt.
Tiến hành sửa chữa ban đầu, các công nhân đã khoan một số vị trí trên vai đập bên trái phía hạ lưu để tiến hành khoan phụt chống thấm nước.
Ông Đồng Văn Tự – Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập cho hay sự cố tại hồ Núi Cốc là do đập thoát nước ở hạ lưu được xây dựng đã lâu và bị xuống cấp, bị tắc nên đường thoát nước dòng thấm ở đập ra phía hạ lưu bị đẩy lên trên. Khảo sát cho thấy, hệ số thấm vượt mức cho phép, dòng thấm về hạ lưu lớn hơn mức bình thường.
Trước đó, trước nguy cơ gây mất an toàn, ngày 14/6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc bị thấm, yêu cầu Sở NN&PTNT xác định các vị trí thấm, cảnh báo và đặt biển cảnh báo khu vực có sự cố. Đặc biệt, báo cáo 1 ngày/lần về mực nước hồ, tiến độ xử lý sự cố đập và việc đảm bảo an toàn hạ du.
Ngày 18/6, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên ban hành Công điện số 32/CĐ-BCH yêu cầu UBND TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình nhanh chóng rà soát, sẵn sàng thực hiện di dân, bảo vệ đê điều, cơ sở hạ tầng vùng hạ du trong trường hợp xả lũ, nhất là xả lũ lớn hoặc vỡ đập.
Ngày 19/6, UBND tỉnh Thái Nguyên có buổi làm việc với đại diện Tổng cục Thủy lợi, các nhà khoa học thuộc Đại học Thủy lợi, chuyên gia tư vấn của Tổng công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC).
Để khắc phục sự cố đập chính hồ Núi Cốc, HEC đã lập dự án xử lý thấm qua đập chính của hồ với tổng mức đầu tư dự kiến là 47,67 tỷ đồng. Sự cố được xử lý bằng cách khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập; làm lại hệ thống tiêu thoát nước thân đập; sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước mặt mái hạ lưu đập; sửa chữa mái hạ lưu những vị trí bị hư hỏng; khôi phục thiết bị quan trắc thấm và lắp đặt thiết bị đo mưa.
Hồ Núi Cốc được tạo nên bởi đập ngăn sông Công (phụ lưu của sông Cầu) tại xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên, được xây dựng trong những năm 1973-1982. Theo công bố tình trạng khẩn cấp được UBND tỉnh Thái Nguyên phát đi ngày 14/6, đập chính của hồ có hiện tượng thấm nước ở vai đập, phía bờ hữu cao trình +45,00 m đến +46,00 m; một số vị trí thấm nước ở khu vực giữa mái hạ lưu đập chính ở cao trình +38,00 m với chiều rộng khoảng 150 m2; tại cao trình từ +42,00 m đến +44,00 m bờ tả có hiện tượng nước thấm nhiều; rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cơ +32,00 m và +42,00 m bị gãy đổ chiều dài 200m làm tụt tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8m; mái lát thượng lưu có một số vị trí bị sụt hư hỏng cục bộ. |
Thủy Minh
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…