Hàng trăm tấn cá nuôi lồng bè trên sông Đồng Nai bị chết, hàng trăm hecta hoa màu bị nhấn chìm trong nước, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Từ tối 11/10, Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ. Từ sáng 12/10, đập thủy điện kế tiếp dưới hạ nguồn sông – Thủy điện Trị An trong vòng 24h (từ 9h ngày 12 đến 10h ngày 13/10) cũng liên tục tăng mức xả, từ 150m3/s tăng lên 900m3/s; tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du là 1.750ms/s.
Nằm trên thượng nguồn sông Đồng Nai, Thủy điện Đồng Nai 5 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) thông báo xả lũ vào lúc 19h ngày 11/10 cho các cấp chính quyền thông báo cho người dân vùng hạ du hồ chứa để chủ động phòng ngừa. Hiện TTVN chưa xác định được thông tin cụ thể về lưu lượng xả lũ từ đập này.
Mặc dù vậy, có thể lấy lưu lượng nước xả qua đập thủy điện kế tiếp trên sông Đồng Nai – thủy điện Trị An để hình dung về lượng nước đổ về. Ngày 11/10, Công ty Thủy điện Trị An gửi văn bản đến các đơn vị liên quan, thông báo về việc đập thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) xả lũ từ 9h sáng ngày 12/10 với lưu lượng qua đập tràn 150m3/s nhằm điều tiết hồ chứa. Lúc này, công ty thông báo tính đến 7h ngày 11/10 mực nước hồ đạt 61,6m (cao trình hồ là 62m). Lưu lượng nước về hồ trung bình trong ngày 10.10 đạt hơn 1.000m3/s và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Cuối ngày 12/10, công ty ra thông báo lưu lượng nước về hồ đã tăng bình quân từ 1.600-1.800 m3/s. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du là 1.150m3/s, gồm lưu lượng nước qua tuabin phát điện 850m3/s, lưu lượng nước qua xả tràn 300m3/s (từ 15h ngày 12/10, tăng từ 150m3/s lên 300m3/s.). Mực nước hồ đạt cao trình 61,8m và tiếp tục tăng.
Công ty báo đến 8h ngày 13/10, tiếp tục tăng gấp đôi lượng nước xả tràn, từ 300m3/s lên 600m3/s. Kết hợp với lưu lượng nước qua tua bin phát điện 850m3/s, tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du sẽ tăng lên 1.450ms/s.
Chỉ hai tiếng sau, tới 10h ngày 13/10, lượng nước xả tràn tiếp tục tăng từ 600m3/s lên đến 900m3/s trong thông báo trong sáng 13/10. Cộng thêm lưu lượng nước qua tuabin phát điện 850m3/s, tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du tăng lên đến 1.750ms/s.
Cũng theo Công ty Thủy điện Trị An, vào lúc 3h sáng ngày 13/10, mực nước tại Tà Lài trên sông Đồng Nai đã đạt mức 113,16m, trên mức báo động 3 (113m), thấp hơn 1,15m so với mực nước của trận lũ lịch sử 1987 (114,31m).
Trong trường hợp mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường (62m), Công ty sẽ xả nước xuống hạ du tương đương lượng nước về hồ – thông báo ngày 13/10 của công ty này cho hay, tức mở toàn bộ cửa xả.
Theo ghi nhận từ người dân địa phương, ngày 12/10, thủy điện Trị An mở 2 cửa xả, sang ngày 13/10, 6 trong tổng 8 cửa xả đã được mở.
Tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Vinh và Phú Tân thuộc huyện Định Quán (Đồng Nai), cá nuôi cá bè trên sông Đồng Nai của hàng trăm hộ dân xảy ra tình trạng chết hàng loạt. Đây là đoạn sông nằm giữa Thủy điện Đồng Nai 5 và Thủy điện Trị An.
Tính đến sáng ngày 13/10, hơn 755 tấn cá nuôi lồng bè (chủ yếu là cá diêu hồng) của 91 hộ dân thuộc 4 xã nói trên đã chết, theo UBND huyện Định Quán, báo Vnexpress dẫn tin. Ngày thường cá được bán cho thương lái với giá 40.000 đồng/kg, nay người dân phải bán tháo với giá từ 2.000-5.000 đồng/kg.
Dẫn lời từ người dân địa phương, báo Kinh tế & Đô thị cho hay cá chết hàng loạt do cá không chịu nổi lực nước chảy xiết. Ông Lý Văn Sơn (một hộ nuôi cá bè tại ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho hay: “Trong hai đêm 11 và 12/10, nước lũ trên sông đổ về rất lớn. Nước lũ lớn quá đẩy các bè cá vào bờ và vướng cây cối nên bè không thể trôi vào bờ được. Bình thường nước dâng lên 20-30cm thì cá còn tự vẫy được. Nhưng hai đêm qua nước sông dâng lên hơn 1m, cá không thể đạp nổi với nước xoáy mạnh, cá cũng không còn chỗ nào để núp nên yếu dần rồi chết”.
Nhà ông Sơn đang vớt cá chết để đem đi bán, sáng ngày 13/10 còn bán với giá 5.000 đồng/kg, buổi chiều bán tháo 2.000 đồng/kg nhưng thương lái không chịu mua. Ông Sơn cho hay nhà nuôi khoảng 70 tấn cá, bây giờ khả năng cá đã chết đến một nửa.
“Con cá sống trong vùng nước ổn định, khi nước đổ xuống mạnh hơn 1 mét, nước chảy xiết quá nên con cá không chịu nổi lực nước chảy xiết dẫn đến cá chết hàng loạt” – ông Trần Tỉnh (cùng xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cũng nói, khi hàng chục tấn cá nhà nuôi đã chết.
Ông Lý Huy Động (thành viên Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1) nói đang nợ ngân hàng 1 tỷ, còn tiền đầu tư vào bè các đã 5 tháng nay hết 1,5 tỷ nữa. Hai ngày qua, nhà ông đã vớt 50 tấn chết, hết một nửa số cá. Sắp tới cá bị dập mình, bệnh yếu chết lai ra kéo dài, thì khả năng số cá chết sẽ lên tới 80%.
Theo tin từ báo Đồng Nai, mưa lớn, nước lũ cũng đã làm gần 170ha trồng cam, quýt, bưởi, mít, chuối bị ngập sâu từ 30-60cm, gây thiệt hại nặng.
Nguyên nhân cá chết hiện chưa được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai công bố.
Phía báo Kinh tế & Đô thị cho hay vào chiều 13/10, trao đổi về sự việc cá bè ngập lũ chết hàng loạt nói trên, ông Trần Đình Minh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nói: “Phải làm rõ tình hình, ở xã Thanh Sơn và Trị An việc xả lũ có ảnh hưởng gì đâu, nước xả lũ làm sao chết cá được. Ở xã Thanh Sơn là do nước lũ trên nguồn đổ về. Còn nguyên nhân cá chết thì phải tìm hiểu thêm kỹ”, đồng thời cho biết đang bận nên có gì liên lạc sau.
Trong khi đó, bà Dương Thúy Diễm – Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1 (xã Phú Vinh, huyện Định Quán) nói nước dâng lên vừa do Công ty Thủy điện Đồng Nai 5 xả nước từ hồ chứa Thủy điện Đồng Nai 5 theo thông báo, vừa là lũ đầu nguồn đổ về, “vì vậy hiện nay chúng tôi cũng chưa biết được nguyên nhân thiệt hại này là do đâu, chúng tôi chưa xác định được”.
Một thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1 lại khẳng định nguyên nhân là do nước xả lũ từ Thủy điện Đồng Nai 5 về làm cho nước hạ lưu dâng lên làm chết cá.
Minh Sơn
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.