Giới chức TP.HCM công bố dịch sởi nhằm “huy động các nguồn lực tập trung phòng chống sởi, giảm số ca mắc, tử vong do bệnh sởi”.
Ngày 27/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đã ký quyết định Công bố dịch bệnh truyền nhiễm, dịch sởi. Thời gian xảy ra dịch sởi là vào tháng 8/2024, quy mô toàn thành phố.
Theo quyết định, dịch sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B; người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Dịch sởi lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Giới chức Y tế sẽ thực hiện tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi – rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 1 – 5 tuổi đang sống tại TP.HCM. Có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh.
Ngày 27/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tuần qua, TP.HCM ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại TP.HCM, trong đó 20 ca dương tính (23,5%), 44 ca không lấy mẫu (51,8%), 17 ca chưa có kết quả (20,0%) và 4 ca âm tính (4,7%).
Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần qua là 525 ca. Cụ thể, có 209 ca dương tính (39,8%), 164 ca không lấy mẫu (31,2%), 2 ca có kết quả xét nghiệm không xác định (0,4%), 23 ca chưa có kết quả (4,4%) và 127 ca âm tính (24,2%).
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết từ đầu năm nay đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sởi.
Trong đó, TP.HCM lần đầu tiên ghi nhận hơn 500 ca mắc và 3 ca tử vong. Các ca tử vong này đều mắc sởi trên bệnh nền sẵn có. Đặc biệt, trong thời điểm mùa tựu trường hiện nay thì nguy cơ lây bệnh rất cao.
Hiện Việt Nam có 18 tỉnh, thành nằm trong nguy cơ dịch sởi gia tăng, gồm Hà Giang, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Gia Lai, TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sởi là bệnh lây do virus sởi qua đường hô hấp. Trung bình, 1 ca sởi lây cho từ 12-18 người. Trong khi COVID-19, 1 ca lây cho từ 2-5 người. Như vậy, sởi là bệnh lây dữ dội hơn COVID-19.
Theo ông Châu, sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh sởi diễn tiến nặng trên trẻ suy giảm miễn dịch, mãn tính (ung thư, tim, thận…).
Ông Châu cho rằng cần nâng cao độ bao phủ vắc-xin, đạt 95% sẽ kiểm soát hoàn toàn dịch sởi. Trong bệnh viện, cần tránh lây nhiễm chéo.
Trước diễn biến của bệnh sởi, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng yêu cầu phải tiêm vắc-xin vét, tiêm bù cho trẻ; kể cả tiêm cho nhân viên y tế, người thân bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ.
Những cá nhân chống vắc-xin sẽ bị xử lý nghiêm, ông Thượng yêu cầu, bởi ông cho rằng vắc-xin sởi hàng chục năm nay đã bảo vệ cộng đồng.
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…