UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất dự án xây dựng tuyến metro 3a Bến Thành – Tân Kiên có tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ USD.
Theo văn bản gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM cho biết Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ phần hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện nghiên cứu, rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng tuyến metro số 3a và đã hoàn tất báo cáo vào tháng 3.
Ngày 26/7, JICA cũng đã có thư gửi Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 3a. Trong thư, JICA bày tỏ quan ngại về tiến độ thực hiện dự án và mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ thông qua đề xuất dự án.
Theo UBND TP.HCM, suất vốn đầu tư của tuyến metro số 3a đã được tính toán phù hợp với suất đầu tư của các dự án đang triển khai trong nước và khu vực. Tổng mức đầu tư dự án đã được tính đầy đủ cơ cấu thành phần các chi phí khoản mục theo quy định của pháp luật, bao gồm: chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm thiết bị; chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn; chi phí dự phòng; lãi suất trong thời gian thi công,…
Tuyến metro số 3a dài gần 20 km, có tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ USD, kéo dài theo hướng Bến Thành (Quảng trường Quách Thị Trang) – Phạm Ngũ Lão – Ngã 6 Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – Depot Tân Kiên – Ga Tân Kiên.
Tuyến được định hướng kéo dài từ ga Hưng Nhơn đi dọc quốc lộ 1 và kết nối với TP. Tân An (Long An). Theo kế hoạch, tuyến metro 3a được xây dựng với hai giai đoạn: giai đoạn 1 (Bến Thành – Bến xe Miền Tây); giai đoạn 2 (bến xe Miền Tây – ga Tân Kiên) và depot Tân Kiên.
Đề xuất xây dựng tuyến metro số 3a Bến Thành – Tân Kiên của UBND TP.HCM diễn ra trong bối cảnh tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang trong tình trạng thiếu vốn và chậm tiến độ do việc giải ngân chậm từ Trung ương, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương cũng đang đội vốn 800 triệu USD.
Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, trong năm 2017, nhu cầu vốn để xây dựng tuyến metro số 1 là 5.442 tỷ đồng, hiện mới được 2.119 tỷ đồng (đáp ứng 36%), còn thiếu 3.303 tỷ đồng. Đối với phần vốn trung hạn từ 2016-2020, nhu cầu vốn cho dự án metro số 1 là 20.930 tỷ đồng, hiện đã được giao 7.500 tỷ đồng (đáp ứng 39%) và còn thiếu 13.430 tỷ đồng.
Lý giải về tiến độ giải ngân chậm vốn ODA cho dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay do phần vốn tăng thêm của dự án chưa được phê duyệt.
Theo báo cáo gửi đến Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 17.400 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng do sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009; dự án cũng tăng khối lượng xây dựng gồm: tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga,… Theo kế hoạch, tuyến sẽ lùi thời gian vận hành thử nghiệm tới năm 2019 và đưa vào hoạt động năm 2020.
Cũng trong tháng 11/2017, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 2 đoạn Bến Thành – Tham Lương tăng từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỷ USD (tăng gần 800 triệu USD). Theo UBND thành phố, tổng mức đầu tư dự án tăng lên do những điều chỉnh trong khâu thiết kế cơ sở, cập nhật lại đơn giá cho các hạng mục xây lắp, đơn giá công nhân tăng so với thời điểm được duyệt năm 2010,…
Đăng Nguyên
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…