TP. Thủ Đức xếp cuối bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh với điểm số 49,69, trong khi đó, quận Phú Nhuận xếp hạng nhất với 78,56 điểm.
Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành, địa phương năm 2022 được UBND TP.HCM công bố sáng ngày 11/5.
Đây là lần đầu tiên thành phố chấm điểm năng lực cạnh tranh các đơn vị trực thuộc. DDCI được xây dựng dựa trên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Về khối sở, ban ngành, kết quả cho thấy Sở Khoa học và Công nghệ đứng thứ nhất với 84,20 điểm, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp xếp hạng nhì với 81,87 điểm. Sở Công Thương xếp thứ ba với 80,74 điểm. Sở LĐ-TB&XH xếp cuối bảng với 51,75 điểm về các chỉ số: vai trò người đứng đầu, chi phí thời gian, tính minh bạch và tiếp cận thông tin.
Đối với khối địa phương, quận Phú Nhuận xếp hạng nhất với 78,56 điểm. Các địa phương có thứ hạng cao tiếp theo là: quận 11, 10, Tân Phú. Trong khi đó, TP. Thủ Đức đứng cuối bảng với điểm số 49,69.
Trong các chỉ số thành phần, TP. Thủ Đức xếp cuối về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của chính quyền địa phương.
Địa phương này cũng nằm trong số 6 quận, huyện xếp cuối bảng về các chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp; vai trò của người đứng đầu.
Với 5 cơ quan ngành dọc tham gia đánh giá nhưng không xếp hạng, trong thang điểm 100, Bảo hiểm xã hội thành phố dẫn đầu với 74,93 điểm và Công an thành phố là đơn vị duy nhất có số điểm dưới 50 với 43,78.
TP. Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân được lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên trên cả nước. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm (GRDP) của TP.HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Tuy nhiên, hiện thành phố này chỉ có thẩm quyền tương đương cấp huyện nên gặp khó khăn trong điều hành, quản lý.
DDCI là bộ chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ban ngành, địa phương. Bộ chỉ số DDCI được tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai triển khai thử nghiệm lần đầu tiên năm 2015 và triển khai chính thức từ năm 2016 đến nay. Đến nay đã có 53/63 tỉnh, thành trên cả nước đã họp tập và triển khai áp dụng mô hình này. DDCI được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: Nguyên tắc tuân thủ, gắn kết trách nhiệm, khả thi, chính xác, khoa học và minh bạch, có ý nghĩa, bảo mật. Bộ chỉ số gồm các chỉ số thành phần: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (chỉ số riêng có ở TP.HCM); chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cánh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của sở, ban ngành; vai trò người đứng đầu. |
Minh Long
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…