Theo thống kê, hiện TP. Hà Nội còn hơn 30 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, trong đó có 10 điểm ùn tắc nghiêm trọng.
Sáng 10/12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về “Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông” giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tổng kinh phí để thực hiện là hơn 1.865 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm từ ngân sách TP.
Trong đó, năm 2021 kinh phí là hơn 335 tỷ đồng (đã được UBND TP bố trí để thực hiện trong năm 2021). Năm 2022, kinh phí là hơn 343 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 401 tỷ đồng, năm 2024 là hơn 425 tỷ đồng. Năm 2025, kinh phí là hơn 358 tỷ đồng.
Hàng loạt mục tiêu được giới chức Hà Nội nêu ra tại Chương trình như “đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông, xây dựng giao thông vận tải Hà Nội đồng bộ, thông minh, hiện đại, thuận lợi, trật tự, an toàn, chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông…”.
Đáng chú ý, giới chức Hà Nội sẽ huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông. Trong đó, tập trung di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành…
Chương trình xác định hàng năm sẽ “xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5%-10%/năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương)”.
180 tuyến đường ở 12 quận sẽ được chỉnh trang; lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông; cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông 46 tuyến đường, nút giao; đầu tư, lắp đặt một số cầu thép lắp ghép trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ… để kết nối hai bên sông; thu hẹp dải phân cách trên 9 tuyến phố; tổ chức giao thông 10 tuyến đường trục chính, hướng tâm, vành đai áp dụng công nghệ thông minh…
Theo thống kê, hiện TP. Hà Nội còn hơn 30 điểm đen thường xuyên ùn tắc giao thông, trong đó có 10 điểm ùn tắc nghiêm trọng.
Trước đó, hồi cuối tháng 10, Sở GTVT Hà Nội trình UBND thành phố “đề án thu phí vào nội đô” để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Theo đề án, Sở GTVT Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí: Vành đai 3 – cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – cầu Nhật Tân – đường Hoàng Sa – đường Trường Sa – đường Lý Sơn – đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
Tổng kinh phí xây 87 trạm thu phí là 2.600 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn đề xuất mức phí dự kiến ngày thường với ô tô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ô tô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành…
Khung giờ thu phí hàng ngày từ 5h00 – 21h00, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm sáng từ 6h00 – 9h00, chiều từ 16h00 – 19h30.
Với đề án trên, các chuyên gia giao thông cho rằng việc thu phí hạn chế phương tiện vào nội đô là không phù hợp.
Đến tháng 11, UBND TP. Hà Nội có văn bản số 3863 do ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch ký, trả lời Sở GTVT, có nội dung: “Việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện”.
Hà Nội: Nghiên cứu cấm xe máy từ vành đai 3 vào nội đô sau năm 2025Đầu tháng 12, UBND TP Hà Nội ra báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND TP về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030”. Theo UBND TP Hà Nội, Sở GTVT TP đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy tại các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm TP. Kế đến, sau năm 2030, TP sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận từ Vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và Vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng. 5 huyện lên quận trong giai đoạn 2021 – 2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án, đồng nghĩa tại các quận này cũng dừng hoạt động xe máy theo lộ trình. So với kế hoạch đưa ra tại Nghị quyết 04, việc dừng hoạt động xe máy tại các quận ở Hà Nội sẽ sớm hơn 5 năm, kể từ năm 2025 (dự định ban đầu là năm 2030). Dự kiến thời gian tới, TP sẽ mở rộng giao thông vận tải hành khách công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm…) để giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân (xe máy, xe đạp điện, xe ô tô…), khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng đạt từ 30-35% đến năm 2025; mở mới 50 tuyến xe buýt mới từ năm 2021-2025. Theo VOV Giao thông ngày 29/10, Hà Nội đang có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. |
Kim Long
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…