Việt Nam

Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam sẽ phóng lên quỹ đạo đầu năm 2025

Vệ tinh LOTUSat-1 đã hoàn thành công tác thiết kế, chế tạo. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phóng vệ tinh vào tháng 2/2025.

Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. (Ảnh: vnsc.org.vn)

Thông tin được PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nói tại họp báo chiều 12/7.

Theo kế hoạch, sau 3 tháng thử nghiệm trên quỹ đạo, khoảng tháng 6/2025, vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được bàn giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vận hành toàn bộ hệ thống trong 5 năm.

Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo, toàn bộ hệ thống thiết bị mặt đất bao gồm trạm mặt đất (ăng-ten 9,3m), trung tâm vận hành điều khiển vệ tinh, trung tâm ứng dụng dữ liệu vệ tinh, đã tiến hành lắp đặt hệ thống mặt đất tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc từ tháng 5/2024, dự kiến tháng 9/2024 sẽ bàn giao hệ thống này.

Trước đó, Việt Nam ký kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570 kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm.

Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác để ứng phó giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.

Tập đoàn NEC thiết kế, chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 và đào tạo nhân lực cho Việt Nam tại Nhật Bản. Việc đào tạo nhân lực nhằm chuyển giao công nghệ chế tạo, vận hành và ứng dụng ảnh vệ tinh.

Toàn cảnh Đài thiên văn Hòa Lạc. (Ảnh: vnsc.org.vn)

TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cho biết vệ tinh có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết nên rất phù hợp với quốc gia có điều kiện khí tượng nhiều mây và sương mù như Việt Nam. Vì vậy, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam kỳ vọng, dữ liệu từ vệ tinh này có thể đóng góp nhiều cho Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới bởi sự nóng lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu. Các dịch vụ và công nghệ vũ trụ sẽ là chìa khóa để hiểu hơn quá trình biến đổi khí hậu và hỗ trợ toàn bộ chu trình giám sát, phòng chống thiên tai. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa tác động của những thảm họa thiên nhiên do thiên tai và biến đổi khí hậu.

Hồi năm 2011, Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định vay vốn ODA để thực hiện Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” (Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam).

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được xây dựng trên diện tích rộng gần 9 ha tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, dự án có tổng mức đầu tư là 54,4 tỷ yên (tương đương hơn 12.363 tỷ đồng), sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện là từ năm 2011 đến năm 2020. Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, khởi công vào tháng 9/2012.

Ngày 26/7/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Thời gian hoàn thành Dự án là năm 2023.

Dự án kỳ vọng Việt Nam sẽ có một trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ vũ trụ hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Minh Long

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

48 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

56 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

1 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago