Tình hình xét xử vụ án hình sự tại Việt Nam tiếp tục được một số lãnh đạo trong ngành tư pháp, lập pháp khẳng định là tốt đẹp, không có án oan, dù công chúng đã chứng kiến nhiều vụ việc được minh oan, cũng như chỉ ra nhiều vụ án sai phạm mà chỉ cần một trong số đó được hệ thống tố tụng thừa nhận, những vụ án ấy phải được xem xét lại như án oan sai. Ngay cả khi sự thật chưa được thừa nhận, những thông tin thật sự lại tiếp tục bị che lấp nhằm tạo ra sự bàng quan không đáng có…
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/1, báo cáo về công tác của các Toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 (2016-2021), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Ông Bình khẳng định: “Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật”.
Tuyên bố trên được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình khi kết luận: “Trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Việc tòa án bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho các bên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định”, báo Thanh Tra ngày 12/1 tường thuật lại buổi họp.
Tuy nhiên, hồi tháng 6/2020, trong buổi thảo luận về kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Trưởng Đoàn Quảng Trị) dẫn hàng loạt vụ án, như vụ Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ nhảy lầu tự tử ở TAND Bình Phước…, cho hay dư luận hoài nghi phán quyết của tòa án, và đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm đang bào mòn lòng tin của người dân”.
Dẫn thêm vụ gỗ trắc ở Quảng Trị đã có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà các đoàn ĐBQH Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Quảng Bình và nhiều đại biểu đã kiến nghị giám đốc thẩm nhưng gần một năm vẫn chưa có câu trả lời.
“Vụ án chưa được đưa ra xét xử trong khi người dân phải chấp hành án phạt tù trong sự đau khổ, uất ức. Của cải bị bán, bị tịch thu, người thì uất ức tự tử, người còn lại vào vòng tù tội đang tiếp tục kêu oan trong nỗi chờ mỏi mòn vào công lý để nỗi oan khiên được minh giải”, ông Thắng nói.
Cũng trong tháng 6/2020, TAND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) phải xin lỗi, cải chính công khai đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng. Viện trưởng và Phó viện trưởng Viện KSND huyện Tuy Đức, một số cán bộ thuộc Công an và TAND huyện Tuy Đức bị kỷ luật do gây oan sai.
Nói về sự việc, luật sư Phạm Công Út cho biết: “Ngành tòa án phải xin lỗi, và vừa rồi phải tạm ứng tiền bồi thường, và đang trong quá trình giám định thiệt hại, thương lượng bồi thường, đó là việc tôi biết và có trực tiếp tham gia trong việc bồi thường án oan. […] Tất nhiên Chánh án TAND tối cao cũng là người phê duyệt mức bồi thường hoặc các phương án giải quyết bồi thường, do đó không thể nói ông Nguyễn Hòa Bình không biết hay không nghe báo cáo.”, theo RFA ngày 12/1.
Trong nhiệm kỳ 2011-2016 và nhiệm kỳ 2016-2021 của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tòa án buộc phải tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn trắng án sau khi hung thủ thực sự ra đầu thú, sau khi ông Chấn đã ngồi tù hơn 10 năm (2013), phải trả tự do cho ông Hàn Đức Long được sau 11 năm nhận án tử hình (2016)…
Nói về vụ án Hồ Duy Hải, luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay: “Vụ án Hồ Duy Hải thì đúng phương diện pháp lý thì chưa được kết luận là án oan sai nhưng qua quá trình xét xử nhiều cấp tòa, thậm chí ở cấp sau cùng đi Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người xem xét vụ án thì chính công chúng cũng chỉ ra một loạt sai phạm mà lẽ ra chỉ cần 1 trong những sai phạm ấy thì vụ án phải được xem xét như án oan sai.”, theo RFA ngày 12/1.
Nói về phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, trong bản kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội tháng 5/2020, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhận định Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thậm chí đã “tự đặt ra một quyền năng trên cả luật do Quốc hội ban hành” khi phán quyết việc kháng nghị của VKSND tối cao là đúng hay không đúng pháp luật.
Đó là những vụ án oan sai được truyền thông đưa tin rộng. Còn nhiều vụ vẫn bị hạn chế thông tin. Luật sư Lê Quốc Quân bình luận với BBC Tiếng Việt ngày 12/1: “Nặng nề nhất đối với tôi là vụ Đồng Tâm và các vụ án “xâm phạm an ninh quốc gia” gần đây. Theo tôi thì họ thực sự bị oan, từ trong tư tưởng đến hành vi.”
“Tư tưởng của những nhóm hoạt động như Hội nhà báo Độc lập hay nhóm Hiến pháp đều chỉ là mong muốn có một Việt Nam tự do và độc lập hơn, hành vi của họ cũng nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Cho nên, việc kết án những nhà hoạt động như vậy bằng một bản án hình sự, theo tôi là oan sai.”
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…