Cao ủy Nhân quyền LHQ: Đe dọa và trả thù có thể ngăn cản chia sẻ về nhân quyền tại VN
- Nguyễn Quân
- •
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 8/1 đã lên tiếng bày tỏ những quan ngại về việc “gia tăng đàn áp” đối với quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, sau khi tòa án Việt Nam tại TP.HCM hôm 5/1 tuyên án tù nặng nề đối với 3 nhà báo độc lập.
Trong một thông báo dài công bố ngày 8/1, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về việc sử dụng “những điều luật mơ hồ” ở Việt Nam để bắt giữ ngày càng nhiều các nhà báo, bloggers, những nhà bình luận và những người bảo vệ nhân quyền. Đây dường như là một phần của tình trạng “kìm hãm ngày càng tăng” đối với quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam.
Bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền cho biết việc Việt Nam sử dụng luật mang tính hạn chế để bắt giữ người một cách tùy tiện là vi phạm Điều 19 Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn, lần lượt là Chủ tịch, Phó chủ tịch và thành viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đã bị buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Ngày 5/1, TAND TP.HCM ngày 5/1 tuyên án 15 năm tù đối với ông Phạm Chí Dũng; ông Nguyễn Tường Thụy, ông Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm tù. Sau khi mãn án tù, mỗi người phải chịu thêm 3 năm quản chế, thông cáo của Cao ủy Nhân quyền điểm lại.
“Cả ba cá nhân đều bị giam giữ trước khi xét xử kéo dài và mặc dù được Chính phủ đưa ra những lời đảm bảo rằng quy trình hợp pháp đã được tuân thủ, nhưng vẫn có những lo ngại nghiêm trọng về việc liệu các quyền của họ để được xét xử công bằng có được tôn trọng đầy đủ hay không”, bà Shamdasani nói.
Trước tình trạng vi phạm Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), đại diện Cao ủy Nhân quyền kêu gọi Việt Nam sửa đổi và tu chính các điều khoản liên quan của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo Công ước.
“Chúng tôi cũng hết sức quan ngại rằng những cá nhân cố gắng hợp tác với các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc sẽ bị đe dọa và trả thù, điều này có khả năng ngăn trở những người khác chia sẻ thông tin về các vấn đề nhân quyền với Liên Hợp Quốc”, bà Shamdasani bày tỏ quan điểm.
“Chúng tôi tiếp tục nêu ra những trường hợp này với Chính phủ Việt Nam, kêu gọi họ ngừng việc liên tục sử dụng các cáo buộc hình sự nghiêm trọng như vậy đối với những cá nhân thực hiện các quyền cơ bản của họ, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận – và trả tự do vô điều kiện cho tất cả những ai đã bị giam giữ trong những trường hợp như vậy.”
Thông tin về 3 nhà báo độc lập tại Việt Nam bị buộc phải nhận các án tù từ 11 đến 15 năm sau khi bị kết tội vi phạm an ninh quốc gia tiếp tục được bà Shamdasani nêu trong cuộc họp báo kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc tại Geneva ngày 8/1.
Bà Shamdasani nói thêm rằng Cao ủy Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam hạn chế sử dụng các điều luật hạn chế nhằm cắt giảm các quyền tự do cơ bản, cũng như duy trì các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, bà Shamdasani giải thích rằng các nhà báo ở Việt Nam nói trên đã bị buộc tội “tội chống lại an ninh quốc gia” sau khi đăng các bài báo, trên báo chí hoặc trên mạng xã hội, liên quan đến nhân quyền hoặc tham nhũng. Một số nhà báo đã bị giam giữ ngoài ý muốn.
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào trung tuần tháng 12/2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ báo cáo nhân quyền từ Ủy ban Bảo vệ Nhà báo thế giới (CPJ) rằng Việt Nam ngày càng gia tăng kiểm duyệt báo chí, bắt giam và kết án tù các nhà báo trong năm 2020.
Đại diện phát ngôn của Bộ Ngoại giao – bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố những nhận định của CPJ là “những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu” đối với tình hình Việt Nam, và khẳng định “Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí”.
Đối với việc bắt giữ các nhà báo, bà Hằng cho rằng “tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành”.
Tuyên bố trên được đưa ra cùng ngày với vụ bắt giữ nhà báo Trương Châu Hữu Danh, ngày 17/12, với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, một điều luật được một số luật sư trong nước cho rằng là “mơ hồ”.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ cáo buộc quản chế tự do báo chí
Từ khóa Tự do ngôn luận Phạm Chí Dũng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam nhân quyền tại Việt Nam