5 năm qua, Việt Nam xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người. Bình quân mỗi ngày trôi qua lại xảy ra 9 vụ cháy. Ngoài mất mát về nhân mạng, thiệt hại tài sản do cháy ước tính trên 7.000 tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.
Thông tin trên do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an công bố trong báo cáo nêu tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC diễn ra sáng 12/9.
Ông Long cho biết 5 năm qua, cả nước xảy ra 17.055 vụ cháy, gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông (chiếm 90,7%) và 1.571 vụ cháy rừng (9,2%), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7.000 tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.
Ngoài số vụ cháy, cả nước xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Khu vực xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (chiếm khoảng trên 60%).
Hơn 40% vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh; khoảng 30% tổng số vụ cháy tại các cơ sở sản xuất, kho tàng, trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.
Theo ông Long, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45% tổng số vụ.
Tổng quân số trung bình hằng ngày của lực lượng PCCC khoảng 6.000 cán bộ, chiến sĩ và 2.300 phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) các loại. Trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy…
Về thiệt hại của lực lượng PCCC và CNCH, trong 5 năm, có 8 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC, CNCH tử vong và nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Tại thông cáo báo chí do Cục Cảnh sát PCCC &CHCN công bố cùng ngày 12/9, tính riêng trong tháng 8/2022, toàn quốc xảy ra 134 vụ cháy làm chết 10 người, bị thương 7 người; thiệt hại tài sản ước tính 29,68 tỷ đồng. Tổng cộng xảy ra 272 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ rác; xảy ra 3 vụ nổ, làm 3 người bị thương. So với tháng trước (7/2022), số vụ cháy giảm 20 vụ song số người chết tăng 4 người, số người bị thương cũng tăng 4 người. Thiệt hại về tài sản giảm 47,46 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy giảm 88 vụ; số người chết tăng 4 người, số người bị thương giảm 14 người. Thiệt hại về tài sản giảm 47,46 tỷ đồng. Cháy chủ yếu xảy ra tại thành thị với 76 vụ (chiếm 56,7%); nông thôn xảy ra 58 vụ (chiếm 43,3%). Số vụ cháy tại nhà dân chiếm 40,3% (54/134 vụ), số vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm 18,66% (25/134 vụ), còn lại là cháy tại các loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, cháy chợ, quán bar, karaoke, cháy rừng… Trong số 134 vụ cháy, chỉ 62 vụ đã được điều tra làm rõ nguyên nhân (chiếm 47,76%), lý do là “công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy rất khó khăn, phức tạp”. Nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống thiết bị điện vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 38,06%; các nguyên nhân khác đều chiếm dưới 10% trong tổng số nguyên nhân gây ra cháy. |
Tại hội nghị nêu trên, chỉ ra bất cập và giải pháp cho tình trạng cháy nổ trên, đại diện Bộ Công an cho hay Bộ Xây dựng chưa xây dựng cơ chế quản lý, giám sát việc lắp đặt hệ thống thiết bị điện phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở, tại hộ gia đình theo quy định về xây dựng nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ nguyên nhân do sự cố điện và thiết bị điện.
Đối với lực lượng PCCC, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng việc xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy tại chỗ còn nhiều bất cập, rằng việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; trang thiết bị, phương tiện PCCC, cứu hộ cứu nạn còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức.
Đội PCCC chuyên ngành chưa đảm bảo theo quy định (hiện còn 174 cơ sở chưa thành lập được Đội PCCC; trong đó có 96 Đội PCCC chuyên ngành chưa trang bị được xe chữa cháy). Chất lượng tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và khả năng xử lý các tình huống sự cố, tai nạn phức tạp vẫn hạn chế.
Bộ Công an yêu cầu đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, trong “thời điểm vàng” để chữa cháy – không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra – thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.
Bộ Công an đề nghị UBND các địa phương nhanh chóng ban hành các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường chỉ đạo công tác PCCC, có chế tài xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan có chức năng quản lý về PCCC nếu thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn.
Chính quyền địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý về PCCC, kiên quyết thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC; đồng thời xử lý nghiêm, kể cả theo quy định về luật hình sự, đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về PCCC cố tình hoạt động để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…