Theo Tập đoàn Viettel, 39.954 xe bị dán chồng thẻ gây thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng (tính theo giá trị mỗi thẻ là 120.000 đồng) và chi phí nhân công dán mỗi thẻ 50.000 đồng.
Theo văn bản của Tập đoàn Viettel gửi Bộ GTVT, có rất nhiều xe đã được đấu nối thẻ định danh ePass của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC – thành viên của Tập đoàn Viettel), nhưng Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (thẻ Etag) vẫn tiếp tục mời chào và đấu nối thêm thẻ Etag lên xe.
Viettel cho biết Tổng cục Đường bộ đã thành lập đoàn kiểm tra việc dán thẻ vào tháng 5/2022, nhưng hiện trạng trên không được Công ty VETC chấm dứt mà ngày càng có hiện tượng gia tăng.
“Tổng cộng đã có 39.954 xe đã dán thẻ ePass bị dán chồng thẻ Etag”, báo cáo nêu.
Viettel cho rằng việc dán chồng thẻ “là vi phạm điều 10, quyết định 19/2020/QĐ-TTg, quy định một xe chỉ được đấu nối với một tài khoản giao thông, một thẻ định danh; không tuân thủ quy chế phối hợp trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ ETC theo hợp đồng kết nối hệ thống ETC giữa Công ty VDTC và Công ty VETC; gây lãng phí nguồn lực chung; gây xung đột về kỹ thuật, gây lỗi khi xe qua trạm thu phí do không nhận và đọc được đúng thẻ…”.
Theo tính toán của Viettel, 39.954 xe đã dùng dịch vụ ETC qua thẻ ePass bị dán chồng gây thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng (tính theo giá trị mỗi thẻ là 120.000 đồng) và chi phí nhân công dán mỗi thẻ 50.000 đồng.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC, nói đã nắm được việc Tập đoàn Viettel phản ánh đơn vị dán thẻ Etag trùng thẻ ePass của VDTC.
“Hiện chúng tôi đang phối hợp với VDTC để xử lý sự việc”, ông Vinh nói.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, qua kiểm tra xác suất dữ liệu đấu nối thẻ đầu cuối, mở tài khoản dịch vụ thu phí không dừng của 9 phương tiện được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của công ty VETC và VDTC cho thấy, cả 2 nhà cung cấp dịch vụ đều có tình trạng dán thẻ, mở tài khoản cho phương tiện đã đăng ký mở tài khoản của bên còn lại.
Kết quả cho thấy có 6 trong 9 xe đã được công ty VDTC mở tài khoản thu phí trước vào các năm 2021 đến năm 2022, nhưng sau đó công ty VETC vẫn mở tài khoản cho các xe này.
Còn 3 trong 9 xe được công ty VETC mở tài khoản trước trong năm 2022 nhưng sau đó vẫn được công ty VDTC mở tài khoản thu phí cho 3 xe này.
Tổng cục Đường bộ yêu cầu hai công ty VETC và VDTC nghiêm túc rút kinh nghiệm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện.
Hai công ty rà soát, chỉnh công tác dán thẻ, mở và quản lý tài khoản giao thông để giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho các xe đăng ký sử dụng dịch vụ ETC; báo cáo bằng văn bản gửi Tổng cục Đường bộ trước ngày 15/8.
Trước đó, từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến, bỏ làn hỗn hợp. Các trạm BOT trên quốc lộ sẽ chỉ còn một làn thu phí hỗn hợp. Chủ ô tô sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng nếu đi vào làn không dừng mà không sử dụng dịch vụ ETC. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện cả nước có 3,2 triệu xe dán thẻ, chiếm 70% tổng số phương tiện.
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…