Vụ cháy Rạng Đông: ‘Cháy do chập điện’, lượng thủy ngân trong không khí ở ‘giới hạn cho phép’

Gần 20 ngày sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, TP Hà Nội công bố thông tin hàm lượng thủy ngân trung bình 24 giờ trong không khí đều nằm dưới ngưỡng giới hạn cho phép; toàn bộ gần 500 mẫu xét nghiệm đều có nồng độ thủy ngân “trong giới hạn cho phép”… Nguyên nhân vụ cháy “không có sự tác động con người”. 

Vụ cháy Rạng Đông khoảng 20h ngày 28/8, 2 tiếng sau khi phát cháy. (Ảnh cắt từ clip/Youtube)

Chiều 17/9, tại chương trình giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, các bên cung cấp thông tin liên quan đến vụ cháy Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông).

Cháy do sự cố điện

Ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội dẫn báo cáo của Công an TP cho biết ngày 12/9, Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an đã có bản kết luận giám định kết luận nguyên nhân vụ cháy.

Cụ thể, nguyên nhân cháy do sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng (đèn led) làm cháy các chi tiết bên trong bóng đèn, sau đó cháy lan ra khu vực xung quanh.

Vị trí điểm cháy cách nằm vách tôn phía Đông Bắc khoảng 7 m, cách vách tôn phía Tây Bắc 3,4 m bên trong tầng 2 của kho bán thành phẩm.

Trả lời câu hỏi vụ cháy “có tác động của con người hay không”, thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội khẳng định “không có sự tác động con người”. 

“Tức trong vụ cháy này không có việc phá hoại do con người”, ông Trường nói.

Các chỉ số “trong giới hạn cho phép”

Về xử lý hậu quả sau vụ cháy, ông Định cho biết từ ngày 29-30/8, các thông số NO2, SO2, CO trong không khí xung quanh vụ cháy đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng Hg (trung bình 24 giờ) trong không khí nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam.

“Hàm lượng thủy ngân trung bình 24 giờ trong không khí đều nằm dưới ngưỡng giới hạn cho phép”, ông Định cho hay.

Từ ngày 12-14/9, khoảng 10 tấn bùn được nạo vét, hút bùn, khơi thông từ hệ thống thoát nước thải xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông với tổng chiều dài hơn 2.400 m.

Tính đến 3h sáng ngày 16/9, 44,68 tấn rác thải nguy hại (tro xỉ của đèn và các sản phẩm đèn huỳnh quang, compact bị hư hại) đã được vận chuyển về Nhà máy xử lý rác thải nguy hại NEDO tại khu xử lý chất thải Nam Sơn để xử lý. Ngoài ra, 19,44 tấn rác thải khác (sắt thép phế liệu) cũng được vận chuyển ra khỏi khu vực cháy của nhà máy. Bộ Tư lệnh Hóa học tẩy độc cùng lúc với việc thu gom, vận chuyển rác thải.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội – bà Trần Thị Hà cho biết 2.124 người dân, 1.987 trẻ mẫu giáo, các cô nuôi dạy trẻ, học sinh, giáo viên trong khu vực 500 m được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí; chưa phát hiện trường hợp nào có các biểu hiện cấp tính bất thường.

Bà Hà cũng cho biết trong 483 mẫu (254 mẫu máu, 229 mẫu nước tiểu) xét nghiệm tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), nồng độ thủy ngân trong máu và nước tiểu của toàn bộ mẫu được phân tích “đều trong giới hạn cho phép”.

Các cột khói bốc cao hàng trăm mét từ đám cháy, mang theo nhiều hơi độc do hóa chất bị cháy. (Ảnh cắt từ clip/Youtube)

Quận phủ nhận việc thu hồi văn bản khuyến báo của phường

Trả lời về trách nhiệm của quận Thanh Xuân, bà Vương Thị Vân Khánh – chánh Văn phòng UBND quận Thanh Xuân – cho biết ngày 30/8, trên cổng thông tin điện tử của quận, các thông tin được cập nhật từ các cơ quan chức năng.

Đối với việc UBND phường Hạ Đình ra văn bản khuyến cáo người dân nhưng ngay sau đó phải thu hồi, bà Khánh phủ nhận việc UBND quận ra chỉ đạo thu hồi.

“Quận Thanh Xuân không yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi văn bản này. Ở đây cũng có thông tin về kiểm điểm nhưng đến nay không có thông tin nào, văn bản nào liên quan đến kiểm điểm người ký văn bản”, bà Khánh nói.

Ông Thái Văn Tuấn, chủ tịch UBND phường Hạ Đình, sau đó cho biết việc thu hồi văn bản khuyến cáo ngày 29/8 do phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình ký ban hành là do phường quyết định thu hồi. Vụ cháy liên quan đến 8 phường, do đó UBND phường Hạ Đình ban hành thông báo khuyến cáo tới người dân ở các phường khác là không đúng thẩm quyền, vì thế mới thu hồi – ông Tuấn cho hay. Về một số nội dung của thông báo thì chưa có cơ sở để khuyến cáo người dân, cụ thể như không sử dụng thực phẩm trong bán kính 1 km…

Về việc “vì sao phải đến 20 ngày sau khi xảy ra vụ cháy, thành phố mới tổ chức họp báo?”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng chính quyền vẫn “cung cấp thông hàng ngày qua nhiều kênh khác nhau”.

Về di dời nhà máy Rạng Đông ra khỏi khu dân cư, ông Phong cho hay tại cuộc họp ngày 5/9, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu nhà máy sớm di dời theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước thắc mắc về việc nhà máy Rạng Đông hai lần đề xuất về điều chỉnh quy hoạch (chuyển đổi chức năng khu đất nhà máy), ông Phong cho biết thành phố đã có văn bản trả lời không đồng ý, đồng thời nhắc nhở đây là cuộc họp thông tin về khắc phục vụ cháy, nội dung chuyển đổi chức năng khu đất của Rạng Đông sẽ được đề cập trong cuộc họp khác.

Với câu hỏi việc bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng từ vụ cháy như thế nào, ông Phong cho biết kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân cháy không phải do yếu tố con người, nên việc bồi thường thực hiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận phải rút kinh nghiệm nhiều việc từ vụ cháy này.

Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông xảy ra lúc 18h ngày 28/8, đến 3h30 ngày 29/8 mới được dập tắt hoàn toàn, thiêu rụi khoảng 6.000 m2 diện tích kho xưởng, ảnh hưởng hàng chục nhà dân sống xung quanh.

Theo công bố ngày 30/8 của Công ty Rạng Đông, vụ cháy gây thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng, hơn 4 triệu bóng đèn cháy; đã sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân lỏng từ năm 2016.

Ngày 5/9, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy từ 15,1-27,2 kg. Ngày 8/9, Tổng cục Môi trường cho biết Công ty Rạng Đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng chứ không phải amalgam như công ty này trước đó báo cáo. Thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn nhiều so với amalgam.

Tính đến ngày 11/9, tổng cộng có 126 trường hợp phát hiện nhiễm thủy ngân sau vụ cháy Rạng Đông; các kết quả xét nghiệm nhiễm thủy ngân công bố đều nằm dưới 10 mcg/L, mức tối đa cho phép.

Trong 1.987 trẻ mẫu giáo, học sinh đã đến khám sức khỏe, 24 trẻ được giới thiệu chuyển bệnh viện tuyến trên làm xét nghiệm sâu theo dõi nhiễm độc thủy ngân.

Trên trang Facebook cá nhân, TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Phát triển Cộng đồng (RTCCD) nhận định vụ cháy Rạng Đông không phải là trường hợp đầu tiên, mà là trường hợp tiếp nối từ các trường hợp khác tạm gọi là các case-studies, từ các “nhân tai” Formosa, nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, đến vụ cháy Rạng Đông.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Nguyễn Sơn

Published by
Nguyễn Sơn

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

28 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

37 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

46 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

57 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

1 giờ ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

2 giờ ago