Ông Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng 1444 Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bị bắt với cáo buộc liên quan vụ án in 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa (SGK) giả.
Ngày 17/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố ông Trần Hùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điều 356 Bộ luật Hình sự.
Ông Hùng nguyên là Cục phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.
Ông Hùng bị khởi tố trong vụ án sản xuất, buôn bán hơn 3 triệu cuốn SGK giả xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát; Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Thông tin ông Trần Hùng bị bắt khiến dư luận khá bất ngờ, bởi ông Hùng trước đó từng có nhiều phát ngôn nổi tiếng về chống tham nhũng, hàng giả…
Liên quan đến vụ án, hôm 23/7, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Lê Việt Phương (cựu Phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội) và 2 cựu kiểm soát viên của đơn vị này là Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương cùng tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bộ Công an cũng khởi tố Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), Hoàng Mạnh Chiến (Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) cùng 5 bị can khác về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Trước đó, C03 phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Nhà xuất bản Giáo Dục bắt quả tang các bị can tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại xưởng in sách số 297 đường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và các xưởng gia công sách giả khác tại Hà Nội.
Lực lượng chức năng cũng khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại SGK giả ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tạm giữ khoảng 3,2 triệu cuốn SGK giả các loại, 3 hệ thống dây chuyền máy in offset, nhiều máy gia công sách giả, hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo Dục và nhà xuất bản khác, 5 ôtô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách… Nhóm sản xuất hàng giả đã thu lợi bất chính gần 50 tỷ đồng.
Đây được cho là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay.
Tổ công tác 1444 được Tổng cục Quản lý thị trường lập vào tháng 5 với nhiệm vụ thu thập, tiếp cận, xác minh thông tin sự việc vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả. Tổ có 6 thành viên, thực hiện nhiệm vụ từ 5/2021 đến 5/2022, do ông Trần Hùng làm Tổ trưởng.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…