Qua kiểm tra, giám sát, khảo sát 70 công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở 43 xã miền núi, Ban dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa phát hiện có đến 40% công trình khảo sát, thiết kế thi công chưa hợp lý. Có công trình đầu tư hơn 6 tỷ đồng nhưng hiệu quả hoạt động mới chỉ đạt 5%.
40% công trình khảo sát, thiết kế thi công chưa hợp lý với các lỗi như mặt đập thấp hơn kênh mương, kênh mương thấp hơn mặt ruộng; kích thước kênh mương xây dựng bất hợp lý, lưu thông kém…
Một số công trình xây dựng hiệu quả kém, như đập mương bản Chanh, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, được đầu tư 3 tỷ đồng, mới hoàn thành chưa kịp bàn giao đã bị đất, đá vùi lấp; đập mương Na Dẹ, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, thiết kế mặt đập thấp hơn kênh mương; đập Nà Kham, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, thiết kế kênh mương đầu nguồn thấp, hẹp, nước lưu thông kém, không dẫn nước về được cuối nguồn.
Một số công trình đầu tư chưa đúng mục đích, dàn trải, không hiệu quả, như công trình đập suối Lét, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, có tổng mức đầu tư 1,7 tỷ đồng để dâng nước tưới cho 15 ha, nhưng chỉ tưới được khoảng 0,25 ha, hiện đang bỏ hoang; đập mương Bù Đàn, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, có mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng để khai hoang 40ha lúa nước nhưng thực tế chỉ tưới được khoảng 2ha.
Nhiều công trình lãng phí tiền tỷ khác như đập Suối Tung ở xã Trung lý (Mường Lát) có tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng nhưng không có kênh mương nên không sử dụng được. Đập mương Sa Vít ở xã Trung Lý, đập mương bản Ái ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ ba nguồn vốn khác nhau nhưng mỗi dự án thiết kế một kiểu, xây dựng kênh mương không đồng bộ, nước lưu thông kém, vào ruộng rất ít.
Theo báo cáo của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi tháng 5/2017, hiện trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có 1521 công trình thủy lợi đầu mối, trong đó có 431 hồ chứa, 956 đập dâng, 134 trạm bơm các loại và 3557 km kênh mương nội đồng phục vụ tưới cho 27.000 ha.
Từ năm 2010 – 2016, tại các huyện miền núi có 95 công trình thủy lợi vừa và nhỏ được xây mới (gồm 1 hồ chứa, 23 đập dâng, 31 trạm bơm, 40 tuyến kênh mương); nâng cấp 303 công trình thủy lợi nhỏ và vừa với tổng số vốn đầu tư 1.016 tỷ đồng.
Trong đó, 577 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu chính phủ; 153 tỷ đồng vốn ODA, 273 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh, 13,4 tỷ đồng vốn ngân sách huyện và nguồn vốn khác.
Theo Quy hoạch tổng thể thủy lợi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, hiện trên toàn tỉnh có tổng cộng 2.524 công trình thủy lợi đầu mối, gồm 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm tưới, tiêu các loại. Từ năm 2013 đến sau năm 2020, dự kiến tỉnh sẽ đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới 1.107 công trình tưới, tiêu, chống lũ. Tổng kinh phí đầu tư 22.368 tỷ đồng. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…