Một nhân vật mới tham gia một cách hiếm thấy vào cuộc điện đàm giữa đại điện đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc và Mỹ lần này, đó là Bộ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Chung Sơn. Sự xuất hiện của ông Chung Sơn cũng đã khiến cho giới quan sát chú ý và có nhiều đồn đoán.
Hôm 10/7, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Lưu Hạc – Uỷ viên Ban thường uỷ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Trung Quốc, người dẫn đầu đối thoại thương mại Trung – Mỹ, đã có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, để “trao đổi ý kiến về thực hiện nhận thức chung giữa hai nguyên thủ quốc gia trong cuộc gặp tại Osaka Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn tham gia điện đàm”.
Tờ Tân Dân Vãn báo tại Trung Quốc Đại lục đưa tin, người dẫn đầu đàm phán thương mại Trung – Mỹ điện đàm và Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn tham gia là “điều vô cùng hiếm thấy”. Trong các cuộc thương thảo về thương mại cấp cao Trung – Mỹ trước đây, về cơ bản đều là ông Lưu Hạc nói chuyện qua điện thoại với ông Robert Lighthizer và ông Steven Mnuchin. Nhưng sau đó, bài báo này đã bị xoá.
Nhật báo Kinh tế Hồng Kông đưa tin, trước đó, các cuộc điện đàm tương tự đều theo mô thức “một đối hai”, tức phía Trung Quốc là ông Lưu Hạc, còn phía Mỹ là ông Robert Lighthizer và ông Steven Mnuchin. Mặc dù Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn từng tham gia đoàn đàm phán hồi tháng 2, nhưng trong thông cáo chính thức của phía Trung Quốc, chưa từng đề cập đến việc ông tham gia điện đàm. Do đó, lần này việc ông Chung Sơn tham gia điện đàm đã đặc biệt thu hút được sự chú ý của dư luận.
Bản tin cho rằng, ông Chung Sơn, người có kinh nghiệm đàm phán thương mại quốc tế tham gia cuộc điện đàm, cho thấy trong tương lai ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong đàm phán thương mại Trung – Mỹ. Người đứng đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc Lưu Hạc mặc dù có kiến thức về tài chính kinh tế, nhưng ông thiếu kinh nghiệm đàm phán quốc tế.
Ông Chung Sơn từng là người phụ trách hai doanh nghiệp nhà nước về xuất nhập khẩu tại tỉnh Chiết Giang, từng làm Giám đốc Sở Hợp tác Kinh tế đối ngoại Chiết Giang, và từng giữ chức Phó Tỉnh trưởng Chiết Giang quản lý về ngoại thương; năm 2008, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Thương mại, sau đó trở thành phó đại diện, trưởng đại diện (ngang Bộ trưởng) đàm phán thương mại quốc tế của Trung Quốc; tháng 2/2017, ông được thăng chức làm Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc.
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, ông Chung Sơn tham gia vào cuộc điện đàm lần này, dường như ám chỉ “mô thức một đối hai” lâu nay Trung Quốc vẫn làm đang có sự thay đổi. Đằng sau có lẽ thể hiện rằng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh có sự thay đổi, quan chức chuyên nghiệp có kinh nghiệm đàm phán thương mại quốc tế như ông Chung Sơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo.
Ngoài ông Chung Sơn, Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn phụ trách sự vụ thương mại Bắc Mỹ cũng được cho là có kinh nghiệm đàm phán quốc tế, ông cũng là một thành viên trong đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc.
Tuy nhiên, truyền thông tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc cho rằng, việc ông Chung Sơn tham gia điện đàm không có nghĩa là đàm phán thương mại sẽ bắt đầu với “mô thức hai đối hai”, trong hệ thống chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Chung Sơn chỉ là một nhân vật cấp bộ trưởng, là một thành viên trong đoàn đàm phán do ông Lưu Hạc dẫn đầu.
Ông Chung Sơn chỉ có vai trò chấp hành các sự vụ thực tế và nêu ra các quyết sách cho cao tầng của ĐCSTQ. Việc ông tham gia vào cuộc đàm phán giữa đại biểu hai nước Trung – Mỹ, cho thấy Trung Quốc và Mỹ có thể đang thảo luận liên quan đến vấn đề cụ thể về thương mại.
Đàm phán thương mại Trung – Mỹ đã kéo dài một năm, vốn được cho là sẽ đạt được cam kết vào cuối tháng 4 vừa qua, nhưng đến cuối tháng 5, phía Mỹ nhận được điện báo từ phía Trung Quốc, Trung Quốc cho biết sẽ rút lại một số cam kết đã thoả thuận trước đó.
Sau đó, phía Mỹ đã tăng thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc tổng trị giá lên đến 200 tỉ USD, mức tăng từ 10% lên 25%; bên cạnh đó, Mỹ cũng khởi động thủ tục trưng thu thuế quan đối với 300 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc.
Huawei và 68 công ty trực thuộc, cùng 5 công ty công nghệ khác của Trung Quốc như công ty như Công ty Sugon, Hải Quang Thiên Tân, Công ty mạch tích hợp Hải Quang Thành Đô, Công ty Công nghệ vi điện tử Hải Quang Thành Đô, Viện nghiên cứu Công nghệ máy tính Giang Nam, đều bị Mỹ liệt kê vào “danh sách thực thể” quản chế xuất nhập khẩu, cấm các công ty này mua thiết bị và linh kiện quan trọng của Mỹ.
Trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi cuối tháng 6, phía Trung Quốc đã đồng ý khởi động lại đàm phán thương mại với Mỹ.
Huệ Anh
Xem thêm:
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…