Các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn đầu tư, doanh nghiệp trong nước lao đao vì thiếu nhân lực, những người nước ngoài tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Hồng Kông cũng tháo chạy khỏi thành phố này vì chính sách kiểm dịch quá nghiêm ngặt.
Ellie May Paden (26 tuổi) đến Hồng Kông để sinh sống và xây dựng sự nghiệp hơn 1 năm trước. Tưởng như cuộc sống sẽ trôi qua yên bình với công việc điều hành một cơ sở kinh doanh phụ bán nến thơm, Paden dần nhận thấy cô đang bị cô lập bởi các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt. Những người từ nước ngoài về Hồng Kông đều bị cách ly hàng tuần khiến cô lỡ mất đám tang của ông nội và ngày chào đời của cháu gái. Cô Paden hy vọng sau khi tiêm chủng đầy đủ tình hình sẽ sáng sủa hơn nhưng không phải như vậy. Cô bán chỗ nến còn lại, quay về Vương quốc Anh và chuẩn bị chuyển chỗ ở sang Canada. Tất nhiên, cô Paden không phải là người nước ngoài duy nhất tham gia vào dòng chảy “chạy” khỏi Hồng Kông vì không chịu nổi các quy tắc phòng chống dịch.
Trung Quốc đang kiểm soát Hồng Kông hết sức nghiêm ngặt. Chính sách ‘zero COVID-19’ đang làm xói mòn khả năng phát triển của Hồng Kông với tư cách là một thành phố quốc tế. Gần hai chục nhà ngoại giao, các phòng thương mại, nhà tuyển dụng, phi công và những người nước ngoài khác sinh sống tại nơi đây cho biết họ khó lòng thích nghi với các quy định phòng chống dịch nghiêm khắc. Chính quyền từ chối sống chung với vi rút là đòn giáng nặng nề khiến người nước ngoài phải rời đi. Các công ty phương Tây nhận thấy trung tâm tài chính của châu Á giờ không còn là mảnh đất màu mỡ, họ bắt đầu lên kế hoạch rút khỏi Hồng Kông.
Theo dữ liệu nhập cư, số lượng chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài được nhận vào Hồng Kông theo chương trình việc làm đã giảm từ 41.000 (năm 2019) xuống 15.000 (năm 2020) và xuống 10.000 (đến quý 3 năm 2021). Rõ ràng, Hồng Kông đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám nặng nề.
Các nhà chức trách và chuyên gia y tế Hồng Kông sẽ không nhân nhượng trong việc ngăn chặn vi rút, đặc biệt là khi biến thể omicron đang lan tràn khắp thế giới. Một trong các biện pháp cứng rắn của họ là thu thập mẫu phân của trẻ nhỏ để kiểm dịch tại khách sạn. Ngoài ra, họ còn kéo dài thời gian cách ly với người nhập cảnh hoặc đột ngột ra lệnh hủy các chuyến bay.
Theo cuộc khảo sát được công bố vào tháng 12/2021, Phòng Thương mại Anh cho biết 70% số người được hỏi nói rằng họ rất khó tuyển thêm nhân viên ở Hồng Kông vì các hạn chế trong chính sách kiểm dịch. Các giám đốc điều hành cấp cao đã chuyển đến làm việc ở những nước “dễ tính” hơn như Singapore hoặc Dubai. Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan – Jan Willem Moller, cho biết khoảng 1/4 số doanh nhân Hà Lan đã rời đi trong năm nay và số lượng xuất cảnh sẽ tăng lên đáng kể nếu các quy tắc kiểm dịch vẫn tiếp tục được áp dụng.
Phi công là một trong những nghề phải tuân thủ quy tắc kiểm dịch khắt khe nhất. Họ phải sống trong một vòng lặp kín gồm 2 nhiệm vụ chính: làm việc và cách ly. Khi phải quá cảnh vì chuyến bay dài, phi công và phi hành đoàn sẽ bị cấm rời khỏi phòng khách sạn. Kể từ tháng 5, đã có ít nhất 240 phi công của Hãng hàng không Cathay Pacific xin nghỉ việc. Năm ngoái họ bị cắt giảm lương nghiêm trọng còn năm nay thì phải tuân theo chế độ kiểm dịch nghiêm khắc.
Tháng 11/2021, hơn 120 sinh viên đã bị đưa đi cách ly tập trung vì tiếp xúc với một phi công dương tính với COVID-19. Cathay Pacific thừa nhận tất cả các sự kiện này là gánh nặng đối với phi hành đoàn và hãng sẽ lên kế hoạch tuyển dụng “vài trăm phi công trong năm tới”.
Liên minh các nghiệp đoàn phi công thuộc mạng lưới Oneworld – Oneworld Cockpit Crew Coalition – cho biết các phi công đang phải đối mặt với những điều kiện làm việc “không thể chấp nhận được”.
Việc thắt chặt các biện pháp kiểm dịch khiến cho các hãng hàng không như British Airways và Swiss International Air Lines phải tạm dừng các chuyến bay đến Hồng Kông. Nhà điều hành hàng hóa FedEx cho biết họ sẽ đóng cửa cơ sở phi hành đoàn tại thành phố và chuyển chỗ làm cho các phi công trong vòng 16 tháng tới.
Ngoài các quy định về kiểm dịch, Hồng Kông còn tạm thời cấm các chuyến bay của các hãng hàng không chở ít nhất 4 hành khách có kết quả dương tính với vi rút khi hạ cánh. Nhiều chuyến bay từ nước ngoài đến Hồng Kông của Qatar Airways, Nepal Airlines, Air India, Korean Air, Cathay Pacific bị hủy đột ngột khiến hành khách và phi hành đoàn không kịp sắp xếp lịch trình. Được biết, các chuyến bay của Cathay Pacific từ London đến Hồng Kông đã bị cấm ngay trước Giáng sinh.
Các chuyến bay bị xáo trộn khiến cho các gia đình không kịp gặp nhau khi nhà có tang. Khách sạn trở thành địa điểm cách ly khiến nhiều người bức xúc. Các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành ngân hàng, truyền thông, nhà hàng phải trả hàng nghìn đô la phí kiểm dịch cho nhân viên khiến ngân sách hoạt động của công ty ngày càng quá tải.
Người đồng sáng lập nhà hàng Black Sheep – Syed Asim Hussain, cho biết nếu chi phí chỉ bị trội lên trong thời gian ngắn thì không có vấn đề gì, nhưng có vẻ quy định kiểm dịch sẽ được áp dụng trong nhiều năm tới nên doanh nghiệp không thể ngồi yên chịu trận.
Chính quyền Hồng Kông hiểu rằng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhưng kiểm dịch nghiêm ngặt là điều cần thiết giúp duy trì sức khỏe cộng đồng và làm bước đệm để mở cửa trở lại với đại lục. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như sẽ hoãn các kế hoạch nới lỏng do sự xuất hiện của biến thể omicron.
Minh Minh (Theo The Washington Post)
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…