Sự bùng phát dịch cúm A gần đây ở Trung Quốc đã gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện và tâm lý hoang mang trong xã hội. Số ca chờ khám được xác nhận tại một số bệnh viện ở Bắc Kinh và Sơn Đông lên tới 1.000 ca mỗi ngày, số ca nhiễm được xác nhận tại một bệnh viện ở Thượng Hải chỉ trong 1 tuần của tháng 1 đã gần bằng tổng số ca của tháng 12 năm ngoái. Không ít cư dân mạng Trung Quốc Đại Lục nói thẳng rằng đó chính là virus Corona mới (COVID-19). Mặc dù cư dân mạng ở Thượng Hải, Bắc Kinh và những nơi khác ở Trung Quốc đã tiết lộ các trường hợp tử vong trên mạng xã hội, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào.
Theo báo cáo hàng tuần giám sát dịch cúm mới nhất do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc công bố, trong tuần thứ 52 của năm 2024 (tuần từ ngày 23 – 29/12), tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm virus cúm ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc Trung Quốc tiếp tục gia tăng, với dịch cúm A chiếm hơn 99%.
Trang Tin tức Hồng Tinh đưa tin hôm 9/1 rằng gần đây, các bậc phụ huynh thường phản ánh bệnh viện chật kín người, hàng dài người xếp hàng trong khi nguồn lực chẩn đoán và điều trị không đáp ứng đủ. Cô Dương đến từ Bắc Kinh cho biết, con cô có triệu chứng ho và sốt. Ban đầu Dương nghĩ đó chỉ là cảm lạnh thông thường, cô đến bệnh viện thuộc khu cộng đồng hôm 19/12 và cho con uống thuốc trong 3 ngày nhưng triệu chứng không thuyên giảm.
Dương cho biết cô tiếp tục đưa con đến Bệnh viện Vọng Kinh hôm 23/12, sau đó con cô lại sốt cao vào buổi chiều khi trở về nhà. Tối hôm đó lại đến Bệnh viện Hoa Tín và được thông báo bệnh viện chưa hoàn thành việc chẩn đoán và điều trị cho những người xếp hàng vào buổi chiều ngày hôm đó, phòng cấp cứu sẽ phải đợi ít nhất 2 đến 3 tiếng để được điều trị cấp cứu. Cô cho biết, buổi chiều cô đến bệnh viện khác nhưng không chẩn đoán được. Cô đến bệnh viện Nhi đồng lúc 9:00 tối, khi đăng ký thì thấy con số lên tới hơn 1.000. Sau khi khám, Dương nhận được kết quả xác nhận con cô nhiễm cúm A, xếp hàng gặp được bác sĩ thì đã 12:00 sáng.
Cô Khổng đến từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cho biết gần đây, con trai lớn của cô xuất hiện triệu chứng ho, sốt, thực hiện tự xông khí dung và dùng thuốc không có tác dụng nên cô đã cho con đến khoa cấp cứu nhi của Bệnh viện Đồng Tế hôm 23/12. “Số đăng ký xếp hàng lúc 2:20 chiều là hơn 100, đến 5h:05 tôi mới khám được”, cô mô tả khoa mở 4 phòng khám, thậm chí còn không có chỗ ngồi ở sảnh.
Trang Eastday đưa tin hôm 9/1 rằng 283 trường hợp mắc bệnh cúm A đã được chẩn đoán vào tháng 11/2024, tăng lên 5.195 trường hợp vào tháng 12, và 4.357 trường hợp được chẩn đoán chỉ trong một tuần vào tháng 1/2025. Giáo sư Lý Cường (Li Qiang), chủ nhiệm Khoa Hô hấp tại Bệnh viện Đông Phương Thượng Hải, dự đoán số ca mắc bệnh trong tháng này có thể lên tới gần 20.000. Để ứng phó với khả năng tiếp tục có đỉnh dịch cúm A, Khoa Hô hấp của bệnh viện đã khẩn trương tăng số lượng bác sĩ điều trị ngoại trú, tăng phân bổ thuốc kháng virus tại nhà thuốc, tăng tỷ lệ luân chuyển giường bệnh nội trú.
Sohu News hôm 9/1 đưa tin, khoa cấp cứu nhi của một bệnh viện cấp 3 tại Tp. Tế Nam, tỉnh Sơn Đông cũng đã đạt đến đỉnh điểm: Phát ra hơn 1000 số xếp hàng chờ khám, sảnh bệnh viện chật kín phụ huynh và trẻ em, khu vực chờ truyền dịch thậm chí còn đông đúc hơn. Số lượt khám tại Khoa Truyền nhiễm và Phòng khám Sốt của Bệnh viện Nhi đồng Hồ Nam nằm ở Tp. Trường Sa cũng đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước đây.
Báo cáo mới nhất về giám sát trọng điểm quốc gia đối với các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do CDC Trung Quốc công bố cho thấy, từ ngày 30/12/2024 đến ngày 5/1/2025, các mầm bệnh dương tính được phát hiện trong các mẫu dịch đường hô hấp của các trường hợp giống cúm ở khoa ngoại trú và khoa cấp cứu của các bệnh viện trọng điểm chủ yếu là virus cúm, metapneumovirus ở người (HMPV) và rhovirus. Các ca nhập viện nặng và cấp tính chủ yếu do virus cúm, Mycoplasma pneumoniae và HMPV gây ra. Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm cấp tính về đường hô hấp nhìn chung tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Virus cúm đang hoành hành khắp Trung Quốc Đại Lục, nhiều bệnh viện nhi đang quá tải. Một số trẻ thậm chí đã tử vong vì làn sóng virus này. Trên nền tảng Douyin ở Đại lục, một cư dân mạng ở Thượng Hải cho biết anh đã tận mắt chứng kiến một trẻ em chết do cúm A và cho biết: “Làn sóng cúm A này đã giết chết nhiều trẻ em”. Sơn Đông và những nơi khác đã báo cáo các trường hợp tử vong tại địa phương do cúm A, gồm cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn chưa chính thức công bố các ca bệnh nặng hoặc tử vong, và thế giới bên ngoài thường nghi ngờ rằng ĐCSTQ lại che giấu dịch bệnh.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, Trung Quốc gần đây đã chứng kiến sự lây lan trên quy mô lớn của siêu vi khuẩn metapneumovirus ở người (HMPV), gây ra tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và gây ra sự hoảng loạn trong xã hội, điều này gợi nhớ đến tình hình bùng phát của loại virus Corona mới (COVID-19).
Các báo cáo chỉ ra rằng liên quan đến nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện quy mô lớn gần đây của các ca nhiễm HMPV ở Trung Quốc, Tiến sĩ Hà Mỹ Hương (Ho Mei-hsiang) – chuyên gia dịch tễ học và nhà nghiên cứu danh dự tại Viện Nghiên cứu Khoa học Y sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung ương Đài Loan, đã bày tỏ lo ngại rằng sự thiếu minh bạch thông tin từ Trung Quốc có thể gây ra những rủi ro lớn hơn. Bởi vì ngay cả khi nó là một loại virus đã được biết đến, nó cũng có thể gây ra những mối đe dọa mới do đột biến. Bà nói: “Các học giả quốc tế sẽ kêu gọi Trung Quốc tiết lộ thông tin về mầm bệnh và thực hiện một số nghiên cứu di truyền để đảm bảo rằng đây không phải là một loại virus mới, bởi vì ngay cả những loại virus cũ cũng có thể là đột biến mới”.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc thẳng thắn cho rằng đợt bùng phát dịch cúm lần này thực chất chính là virus COVID-19.
“Cúm A cái gì chứ, cảm giác chính là COVID-19.”
“Tôi có cảm giác như cúm A chính là COVID-19, triệu chứng giống nhau, nhưng nhưng không ai dùng từ này nữa.”
Ông Lưu, đến từ Sơn Đông nói với Đài Châu Á Tự do: “Người ta gọi nó là cúm A, nhưng chúng tôi đoán có lẽ nó chính là biến thể của COVID-19”.
Tài khoản “Cô gái nông thôn” ở Hồ Nam với 3,84 triệu người hâm mộ, đăng một video hôm 9/1 nói rằng cô và chồng mới trở về Hồ Nam từ Thâm Quyến, chồng cô bị nhiễm cúm A ở Thâm Quyến và tình trạng sức khỏe không tốt, phải uống thuốc và tiêm thuốc liên tục. Khi trở về quê hương ở Hồ Nam, tình trạng của chồng cô trở nên tồi tệ hơn. Ngày 8/1, đến bệnh viện khám và phát hiện bị viêm phổi, sốt cao 40 độ C, phải nhập viện và điều trị bằng truyền dịch.
Cô đến thăm chồng trong bệnh viện, chồng cô cho biết anh cảm thấy rất khó chịu, không còn sức lực, hoa mắt. Anh nói: “Tưởng rằng hôm qua (8/1) tiêm xong thì sẽ tốt hơn một chút, nhưng không ngờ càng khó chịu hơn. Cảm giác bản thân mình như đã đến tận cùng của sinh mệnh”.
Cô kể chồng cô bị sốt dẫn đến tai đỏ bừng, bệnh viện chật kín bệnh nhân, các phòng bệnh quá đông, chồng cô nằm ở hành lang bệnh viện, hơn nữa hành lang cũng đầy bệnh nhân.
Một số cư dân mạng đã bình luận về video của cô.
Cư dân mạng Quảng Đông nói rằng: Trong khoảng thời gian này, có quá nhiều người bị nôn mửa và tiêu chảy.
Cư dân mạng Hồ Bắc: Sự lây nhiễm đã lan rộng trên toàn quốc và nhiều người xung quanh tôi cũng bị nhiễm bệnh.
Cư dân mạng Chiết Giang: Các triệu chứng nhiễm trùng do cúm A gây ra khó chịu hơn so với loại virus Corona mới, và các bệnh viện thì xuất hiện biển người.
Blogger Sơn Đông “Dishi” đã đăng một video hôm 9/1 nói rằng virus này hiện đang hoành hành, và dịch cúm A trên toàn quốc đang rất nghiêm trọng. Trợ lý của ông bị sốt hôm 8/1 và được chẩn đoán mắc bệnh cúm A vào ngày 9/1. Ông hy vọng mọi người sẽ tự bảo vệ mình.
Blogger An Huy “Mitang” hôm 9/1 cho biết dịch cúm A đang tấn công rất mạnh, 4 người trong một gia đình 5 người đã bị nhiễm bệnh. Họ bị sốt cao, ho và đau họng, quá khó chịu.
Anh cho biết, chứng kiến nhiều người nhiễm cúm A, anh càng có cảm giác như quay trở lại chu kỳ của năm 2020. Trung Quốc lại bước vào mùa cao điểm của virus. Các thành viên trong gia đình lần lượt bị nhiễm bệnh. Triệu chứng chính là sốt cao và có triệu chứng ho sau khi hết sốt.
Kể từ mùa đông năm 2024, nhiều loại virus đã lây lan ở Trung Quốc Đại Lục. Virus lây lan nhanh chóng và rất dễ lây lan, số trẻ em bị nhiễm bệnh đã tăng mạnh. Từ miền nam đến miền bắc Trung Quốc, dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng, với số lượng bệnh nhân tăng vọt và bệnh viện ở nhiều nơi bị quá tải.
Một số bác sĩ và y tá ở Đại Lục cho biết có quá nhiều trẻ em bị đồng nhiễm và hầu như rất ít trẻ bị lây nhiễm đơn thuần, mà là lây nhiễm hỗn hợp nhiều loại virus, mất 2 – 3 ngày để phát hiện bệnh, đến bệnh kiện kiểm tra thì đã bị viêm phổi.
Đài Loan có kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mới…
Venezuela hôm thứ Bảy (11/1) đã lên án các lệnh trừng phạt mới mà Hoa…
Ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo…
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Bảy (11/1) đã lên án lệnh trừng phạt mới…
Trước Tết âm lịch, tình trạng lao động nhập cư dọa nhảy lầu đòi lương…
Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả mạo…