Liệu ĐCSTQ sẽ “bình thường hóa” các cuộc tập trận tại eo biển Đài Loan?

Ngày 8/8, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại tuyên bố sẽ thực hiện một loạt các cuộc tập trận quân sự ở Hoàng Hải, Bột Hải, Biển Đông, và nói rằng từ nay về sau sẽ “bình thường hóa” trạng thái này. Cuộc tập trận của hải quân Đài Loan vẫn đang tiếp diễn, máy bay và tàu của ĐCSTQ tiếp tục đi qua trung tuyến của eo biển Đài Loan.

Ngày 4/8/2022, ĐCSTQ phát động một cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan. Cùng ngày, máy bay chiến đấu Mirage và F5 của Đài Loan được phóng lên không trung. Trong ảnh là máy bay chiến đấu F5. (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Đài Loan)

Các chuyên gia tin rằng ĐCSTQ đang thăm dò phản ứng của Đài Loan, Hoa Kỳ và quốc tế. Trên thực tế, ĐCSTQ chỉ là “thùng rỗng kêu to”, không có thực lực tấn công Đài Loan. Nhưng cộng đồng quốc tế nên có các biện pháp đối phó, để ngăn chặn hành vi ngạo mạn này.

ĐCSTQ thông báo một loạt các cuộc tập trận dọc theo bờ biển phía đông nam

Ngày 8/8, theo giờ Bắc Kinh, Cục An toàn Hàng hải của ĐCSTQ một lần nữa thông báo rằng họ sẽ bắt đầu một loạt các cuộc tập trận ở Hoàng Hải, Biển Bột Hải và Biển Đông.

Cuộc diễn tập bắn đạn thật sẽ được tổ chức từ 8:00 sáng đến 6:00 chiều mỗi ngày, từ ngày 8 – 9/8 tại Biển Đông ở phía đông thành phố Trạm Giang, Quảng Đông. “Nhiệm vụ quân sự” kéo dài 1 tháng này sẽ được thực hiện tại các vùng biển cụ thể trên biển Bột Hải, từ 0:00 ngày 8/8 đến 12:00 ngày 8/9.

Trước đó, Cục An toàn Hàng hải ĐCSTQ thông báo, từ 8:00 – 18:00 từ ngày 6 – 15/8 sẽ tiến hành “bắn đạn thật” tại một số vùng biển nhất định ở phía nam Hoàng Hải.

Vào buổi trưa cùng ngày, tại eo biển Đài Loan, Chiến khu miền Đông của ĐCSTQ cũng cho biết, sẽ tiếp tục tiến hành “cuộc tập trận chung thực chiến hóa” trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan, nhưng không nói rõ vùng biển và vùng trời “diễn tập” cụ thể, cũng như khi nào sẽ kết thúc.

Chuỗi các cuộc tập trận này của ĐCSTQ bắt nguồn từ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tối ngày 2/8. ĐCSTQ đã tuyên bố vào tối ngày 2/8 rằng cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan sẽ bắt đầu lúc 12:00 ngày 4/8 và kết thúc lúc 12:00 ngày 7/8.

Tuy nhiên, vào lúc 12:36 ngày 7/8, Chiến khu miền Đông đã phát đi văn bản cho biết, sẽ tiếp tục tiến hành huấn luyện chung trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan.

Cùng ngày, đài truyền hình Trung Ương (CCTV) của ĐCSTQ cũng đăng một bài viết, nói rằng cuộc tập trận này đã phá vỡ hoàn toàn “trung tuyến của eo biển Đài Loan”, và nói rằng từ nay về sau, quân đội của ĐCSTQ sẽ “bình thường hóa” việc diễn tập quân sự ở phía đông trung tuyến của eo biển Đài Loan.

Đến ngày 10/8, Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết khoảng 20 tàu chiến của Trung Quốc và Đài Loan tiếp tục theo sát nhau ở đường trung tuyến.

Cùng ngày, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã đưa ra sách trắng “Vấn đề Đài Loan và sự thống nhất của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, nêu rõ ý định tuyên bố chủ quyền hòn đảo này thông qua một loạt các biện pháp khuyến khích kinh tế và áp lực quân sự.

Sách trắng cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tạo ra không gian rộng lớn cho sự thống nhất hòa bình, nhưng chúng tôi sẽ không dung thứ cho các hoạt động ly khai dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trung Quốc sẽ “không từ bỏ việc sử dụng vũ lực, và chúng tôi bảo lưu phương án áp dụng mọi biện pháp cần thiết”.

Tuy nhiên, sách trắng nói thêm: “Chúng tôi sẽ chỉ bị buộc phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để đáp trả sự khiêu khích của các phần tử ly khai hoặc các thế lực bên ngoài nếu họ vượt qua ranh giới đỏ của chúng tôi.”

Các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ thăm dò Đài Loan, Hoa Kỳ và phản ứng quốc tế

Ông Lý Chính Tu, chuyên gia quân sự Đài Loan, kiêm nhà nghiên cứu cộng sự của Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, phân tích với Epoch Times rằng có thể nói các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ chỉ mang tính chất thăm dò, tức là họ tự triển khai, mà không đụng đến một cuộc chiến thực sự. Kỳ thực ĐCSTQ đang thăm dò Hoa Kỳ và Đài Loan phản ứng ra sao.

“Tất nhiên Hoa Kỳ sẽ không lùi bước. Đối với Hoa Kỳ, eo biển Đài Loan vốn là một vùng biển quốc tế mà mọi người đều có thể tự do đi lại. ĐCSTQ không thể sử dụng các biện pháp quân sự để can thiệp. Đây là lập trường của Hoa Kỳ.”

“Tất nhiên, Đài Loan cũng cho rằng đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan chỉ là một sự mặc định ngầm quan trọng, nhằm duy trì sự cân bằng và ổn định của mối quan hệ xuyên eo biển. (ĐCSTQ) không nên phá vỡ nó, để tránh mất cân bằng giữa hai bờ eo biển. Đây là lập trường của Đài Loan.”

Tuy nhiên, ông Lý Chính Tu tin rằng Đài Loan phải đáp trả một cách kiên quyết, để ĐCSTQ cảm thấy rằng họ phải rút lui, rút ​​lui về phía mình trên trung tuyến của eo biển Đài Loan, và khôi phục lại sự mặc định ngầm này. Vì nếu mọi người có thể im lặng rút lui, thì có lẽ quan hệ hai bờ eo biển sẽ được khôi phục trở lại.

Ông Lý Chính Tu nói rằng trong tương lai, sự tương tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan, hay mối quan hệ 3 bên giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, Hoa Kỳ với Đài Loan và 2 bờ eo biển Đài Loan có thể được sắp xếp lại và xem xét lại cách thực hiện, để không làm tổn thương bản thân hoặc đối phương.

Mối quan hệ 3 bên sẽ dần trở lại trạng thái cân bằng. “Nếu ĐCSTQ liên tục bước qua ranh giới hết lần này đến lần khác, e rằng quan hệ hai bờ eo biển sẽ khó có thể đối thoại như trước.”

ĐCSTQ vượt qua trung tuyến, phản ứng của Đài Loan chẳng khác gì trò chơi “mèo vờn chuột”?

Ông Lý Chính Tu phân tích rằng mục đích chính của các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ là bình thường hóa các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, tức là biến nó thành một thực tế mặc định. Nói cách khác, chính là chọn các vùng biển hoặc vùng trời gần Đài Loan vào từng thời điểm để diễn tập, dù là phóng thử tên lửa hay huấn luyện liên tục trên biển và trên không.

Ông tin rằng Đài Loan không thể đánh trả vào thời điểm này, “bởi vì có sự chênh lệch lớn về sức mạnh quân sự giữa hai bờ eo biển, rõ ràng là họ chỉ muốn tạo ra một thực tế mặc định.”

Ông Lý Chính Tu nói rằng trung tuyến của eo biển Đài Loan là do Hoa Kỳ vạch ra, với mục đích hy vọng quân đội 2 bên sẽ không vượt qua giới tuyến, để tránh bị coi là có hành động khiêu khích. Nhưng vài ngày nay, ĐCSTQ đã cố tình vượt qua trung tuyến, vậy Đài Loan sẽ phản ứng như thế nào? Chống trả một cách mạnh mẽ, hay âm thầm chấp nhận, đương nhiên điều này sẽ thử thách Đài Loan. 

“Ví dụ, Đài Loan có nên đáp trả một cách cứng rắn, buộc ĐCSTQ trở lại trạng thái trước đây hay không? Hay đáp trả một cách thích đáng, có thể khiến ĐCSTQ từ từ rút lui? Nếu không, ĐCSTQ sẽ coi đó là điều đương nhiên. Vậy thì, sau này, tần suất ĐCSTQ băng qua giới hạn và vượt qua giới tuyến sẽ ngày càng cao hơn.”

Ông Lý Chính Tu nói: “Làm thế nào để thể hiện lập trường vững chắc, mà không kích động cuộc đối đầu xuyên eo biển, điều này thực sự đang thách thức sự khôn ngoan của Đài Loan.”

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, ĐCSTQ đã điều động tàu chiến, máy bay và máy bay không người lái, để mô phỏng một cuộc tấn công vào quốc đảo Đài Loan và hải quân của nước này. Bộ Quốc phòng cho biết họ đã điều động máy bay và tàu chiến để đáp trả “một cách thích hợp”.

“Cả hai bên đều thể hiện sự kiềm chế”, Reuters dẫn lời một người trong cuộc. Ông mô tả đây là trò chơi “mèo vờn chuột” trên biển: “Một bên cố gắng vượt qua ranh giới, bên kia cản đường, buộc họ rơi vào một vị trí kém thuận lợi hơn, và cuối cùng phải rút lui về phía bên kia.”

Chuyên gia: ĐCSTQ không có thực lực để tấn công Đài Loan

Ông Lý Chính Tu nói: “Cá nhân tôi nghĩ rằng ĐCSTQ không thực sự muốn gây chiến. Nhưng họ sử dụng các cuộc tập trận quân sự liên tục như vậy, nhằm thể hiện lập trường của mình với các nước khác. Nghĩa là một khi bạn vượt qua giới tuyến, phản ứng của tôi sẽ khá mạnh mẽ.”

Về tình hình hiện tại, ông Lý Chính Tu nói rằng kỳ thực ĐCSTQ không có điều kiện khai chiến với Đài Loan. Họ không có thực lực để phát động một cuộc chiến chớp nhoáng, đặc biệt là không thể buộc Đài Loan đầu hàng trong một thời gian ngắn. Do đó, đây cũng là yếu tố then chốt giúp cải thiện mối quan hệ xuyên eo biển đang có khả năng tiếp tục xấu đi.

Ngoại giới cũng nhận thấy, gần đây 7 vị Ủy viên Thường vụ ĐCSTQ đã biến mất tập thể. Đến ngày 7/8, các hoạt động công khai của cơ quan này chỉ dừng lại tại tiệc chiêu đãi ngày 1/8 của Bộ Quốc phòng vào ngày 31/7.

Một số nhà phân tích cho rằng ước tính ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ phải chịu đựng một “cuộc đấu đá nội bộ” lớn hơn tại cuộc họp ở Bắc Đới Hà, và sẽ không có thời gian để tính đến sự leo thang của tình hình eo biển Đài Loan.

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ Trung Quốc và là tiến sĩ khoa học chính trị, nói: “Tiếng nói phản đối ông Tập trong nội bộ ĐCSTQ luôn rất mạnh, tuy hiện tại đã bị trấn áp nhưng không thể tiêu diệt được, thế lực này quá mạnh.”

Về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Vương tin rằng ĐCSTQ không cần thiết phải thực hiện một động thái lớn như vậy trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Gingrich cũng đã đến thăm Đài Loan cách đây 25 năm.

Ông Tập đã thổi phồng điều này, khiến nó có vẻ như ĐCSTQ và Mỹ sẽ đối đầu nhau và Mỹ sẽ nhận thua. “Kết quả là bà Pelosi đã đến Đài Loan, khiến uy tín của ông Tập bị sụt giảm nghiêm trọng. Nếu vấn đề này tiếp tục phát triển, nó sẽ ảnh hưởng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, và thậm chí cho người khác một cái cớ để loại bỏ ông ấy.”

Đối với quan điểm của Hoa Kỳ, khi được hỏi liệu ĐCSTQ có cố gắng tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan trong vòng 2 năm tới hay không, Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Colin Kahl nói: “Không.” Tổng thống Hoa Kỳ Biden cũng nói: “Tôi không nghĩ họ sẽ làm nhiều hơn những gì họ đang làm hiện giờ.”

Trước chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết 5 quân chủng chính, gồm Hải quân, Lục quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển Hoa Kỳ, đã triển khai thêm các hoạt động răn đe ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ gây nguy hiểm cho vận chuyển quốc tế, và cộng đồng quốc tế nên phản ứng

Về việc ĐCSTQ tiếp tục diễn tập quân sự, ông Lý Chính Tu tin rằng cộng đồng quốc tế phải lên tiếng tập thể chống lại họ. Nếu chỉ dựa vào tiếng nói của Đài Loan, thì không thể ngăn chặn được hành vi ngạo mạn này của ĐCSTQ. “Thực tế này không chỉ gây nguy hiểm cho an ninh của Đài Loan, mà còn gây nguy hiểm cho toàn bộ ngành giao thông vận tải đường thủy và hàng hải quốc tế.” Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông nói rằng một động thái điên rồ và ngạo mạn như vậy của ĐCSTQ sẽ gây ra phản ứng dữ dội hơn từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng vấn đề là các quốc gia đều không muốn giải quyết thông qua các biện pháp quân sự, vì không muốn xảy ra xung đột. Từ cuộc chiến Nga-Ukraine, có thể thấy rõ rằng NATO sẽ không can thiệp quân sự, mà chỉ cung cấp đạn dược và tài nguyên.

“Nếu ĐCSTQ thực sự tấn công Đài Loan, liệu Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Liên minh Châu Âu có thực sự can thiệp?” ông nói. “Đây là câu hỏi mà mọi người đều trăn trở. Nếu Hoa Kỳ muốn can thiệp thì sẽ can thiệp ở mức độ nào? Điều phiền toái là nạn nhân cuối cùng vẫn là Đài Loan.”

Ông Lý Chính Tu nói: “Bắc Kinh nghĩ rằng bạn đang liên tục thách thức giới hạn của tôi theo kiểu cắt xúc xích. Lần này bà Pelosi đến Đài Loan, và họ nghĩ rằng điều đó tương đương với việc giẫm lên lằn ranh đỏ của mình.”

“Tất nhiên, chúng ta cực lực phản đối việc ĐCSTQ sử dụng thủ đoạn quân sự, nhằm ép buộc Đài Loan hoặc các quốc gia khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vì không ai muốn chiến tranh xảy ra, nên ĐCSTQ sẽ sử dụng hình thức cưỡng chế quân sự, để dần dần thắt chặt.”

Ông Lý Chính Tu tin rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế rất quan trọng. Nếu ĐCSTQ sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, có thể thấy trước rằng sẽ có phản ứng dữ dội, và thậm chí là các biện pháp trừng phạt. Nhưng nếu Bắc Kinh nghĩ rằng họ có thể chịu được các biện pháp trừng phạt như vậy, e rằng người dân ở cả hai bờ eo biển sẽ phải đối mặt với cảnh sinh linh điêu tàn. Đây thực sự là một câu hỏi khó.

Liên quan đến cuộc tập trận của ĐCSTQ xung quanh Đài Loan, G7, Liên minh châu Âu và các nước phương Tây khác đã lên án hành vi của Bắc Kinh là “vô trách nhiệm” và cần phải chấm dứt hành vi này.

Phân tích: Không thể ảo tượng về bản chất bắt nạt của ĐCSTQ

Một số người theo phe thống nhất ở Đài Loan cho rằng “chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi” không tốt cho nước này, và làm tăng sự bắt nạt của Bắc Kinh. Nhà bình luận các vấn đề thời sự Yokogawa nói với Epoch Times rằng tiền đề này là sai lầm. Việc ĐCSTQ bắt nạt Đài Loan chưa bao giờ bị thúc đẩy bởi Đài Loan, và Đài Loan không có mối đe dọa nào đối với Đại Lục.

“Ngay cả khi Đài Loan không làm gì, ĐCSTQ sẽ vẫn tìm ra lý do để đàn áp họ, nên không hề tồn tại ‘vấn đề bà Pelosi châm ngòi’. Đối với ĐCSTQ, sự tồn tại của Đài Loan chính là lý do để đàn áp, và Đài Loan không có lựa chọn nào khác.”

Ông Yokogawa nói: “Việc ĐCSTQ có kế hoạch thu hẹp không gian sống của Đài Loan được quyết định bởi bản chất của ĐCSTQ, không phải bởi thái độ của Đài Loan.”

Một số người Đài Loan nghĩ rằng họ đều là người Trung Quốc, vì vậy mọi người cùng ngồi xuống và đàm phán. Ông Yokogawa nói rằng không có chuyện đó, càng là người Trung Quốc, thì ĐCSTQ sẽ càng ít thương lượng với bạn.

Trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản đàm phán tại Trùng Khánh khi kết thúc chiến tranh chống Nhật. Đó là vì ĐCSTQ vẫn không thể đánh bại quân đội quốc gia (Quốc Dân Đảng), nếu hòa họ tuyệt đối không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán. Sau này chúng ta cũng thấy một thực tế rằng không hề tồn tại việc ĐCSTQ thương thảo với Tây Tạng và Hồng Kông.

Ông Yokogawa nói: “Đối với ĐCSTQ, bạn càng yếu nhược, thì họ càng hung hăng. Họ luôn thúc ép từng bước một. Nếu đổi lại là phe thống nhất nắm quyền, ĐCSTQ sẽ tiếp tục gây sức ép cho đến khi bạn đầu hàng vô điều kiện, không có cách thứ hai với ĐCSTQ.” Chướng ngại của ĐCSTQ là Hoa Kỳ. Sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ là điều rất quan trọng.

Bình Minh (t/h)

Bình Minh

Published by
Bình Minh

Recent Posts

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

21 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

27 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

37 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

42 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

42 phút ago