Trung Quốc

Nhà hoạt động truyền thông: Trung Quốc không có tin tức, chỉ có thông báo

Bành Viễn Văn (Peng Yuanwen), người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông Trung Quốc, từng giữ chức phụ trách mảng video trên tờ Beijing News, gần đây đã có bài viết than thở tình hình làm tin ở Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp, tin tức Trung Quốc đã bước vào “kỷ nguyên thông báo”, thông báo của cơ quan chức năng đã trở thành kênh thông tin quan trọng, trong khi đây chỉ là thông báo từ phía họ.

Không gian làm tin tức ở Trung Quốc những năm gần đây ngày càng bị thu hẹp. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP/Getty)

Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), ông Bành Viễn Văn đã viết một bài báo trên WeChat vào ngày 22/1 nói về việc truyền thông Trung Quốc trong những năm gần đây đã dần rút lui khỏi lĩnh vực tin tức, cho hay hoạt động này của Trung Quốc vào “thời đại thông báo”, “không có tin tức mà chỉ có thông báo”. Tác giả lấy ví dụ vụ việc người phụ nữ bị xiềng xích xảy ra ở huyện Phong (Feng) thành phố Từ Châu tỉnh Giang Tô vào tháng 2/2022, tin tức lớn này đã thu hút cả nước Trung Quốc chú ý và lên men suốt một tháng nhưng giới truyền thông gần như vắng bóng, mọi người dõi theo vụ việc này hàng ngày phải chờ thông báo của cơ quan chức năng, có những người nóng ruột đành tự đi điều tra, quá trình này có người bị trừng phạt, những nguồn tin tự do nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Vụ việc người phụ nữ bị xiềng xích xảy ra ở Giang Tô vào tháng 1/2022 đã gây chấn động không chỉ ở Trung Quốc mà còn phạm vi quốc tế. Người phụ nữ bị trói cổ bằng sợi xích này thực chất đã sinh ra 8 người con trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vụ việc liên quan đến buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình và sự bao che của thế lực quyền lực địa phương, khiến dư luận phẫn nộ. Các quan chức đã đưa ra khoảng 5 thông báo nhưng trước sau mâu thuẫn và có nhiều nghi vấn, cho đến ngày nay vụ việc vẫn chưa làm rõ.

Một sự kiện nổi bật khác được bài viết trích dẫn là lệnh phong tỏa vì COVID-19 ở Thượng Hải bắt đầu vào tháng 4/2022. Nguồn thông tin của cuộc phong tỏa hơn 25 triệu người này hầu như chỉ là các thông báo của cơ quan chức năng, rất thiếu các tin liên quan trên các phương tiện truyền thông. Không chỉ cũng ngóng chờ thông báo, thậm chí giới truyền thông còn không thể góp ý những sai sót… Từ đây có thể tuyên bố rằng tin tức Trung Quốc đã hoàn toàn bước vào “thời đại thông báo”.

Ngoài ra, bài viết còn đưa ra ví dụ về vụ lật xe buýt ở Quý Châu trong thời kỳ dịch bệnh khiến 27 người thiệt mạng và vụ cháy bệnh viện Changfeng Bắc Kinh vào tháng 4. Ông chỉ ra rằng trước khi có thông báo chính thức, hầu như không có hình ảnh hoặc video nào về hiện trường được đưa lên mạng. Bài viết tuyên bố rằng nếu không có thông báo của nhà chức trách về bất kỳ sự kiện tin tức hơi nhạy cảm nào ở Trung Quốc đại lục thì chúng sẽ “không bao giờ được đưa tin”.

Vài ngày trước khi Bành Viễn Văn viết bài này, phát biểu của Giám đốc Lục Phong (Lu Peng) Đài Phát thanh và Truyền hình Sơn Đông tại một diễn đàn truyền thông cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của truyền thông Trung Quốc. Ông nói, “Nền tảng tin tức của truyền hình Sơn Đông không bao giờ giám sát dư luận khắp các tỉnh, chúng tôi không bao giờ xem những câu chuyện cười của người khác, chúng tôi không bao giờ phát bất cứ điều gì trong vùng nhạy cảm, chúng tôi chỉ chuyển tiếp ‘năng lượng tích cực’.”

Về vấn đề này, Bành Viễn Văn cũng cho hay thực tế hầu hết các đài truyền hình địa phương đã “ngưng đưa tin từ lâu”, chẳng hạn vào ngày 19/1 xảy ra một vụ hỏa hoạn tại ký túc xá sinh viên ở Nam Dương – Hà Nam khiến 13 người thiệt mạng, nhưng truyền thông Hà Nam thậm chí còn không đưa tin về vụ cháy này.

Tờ China Digital Times (bên ngoài Trung Quốc) vào ngày 22/1 đăng lại một bài của giáo sư Lao Đông Yên (Lao Dongyan – Trường Luật Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh) được ông công bố trên Weibo (sau đó bị Weibo của ông bị xóa), bài viết cũng chỉ ra rằng giới truyền thông nên cử phóng viên đến hiện trường vụ cháy để hoàn thành nhiệm vụ trách nhiệm giám sát, kiểm tra xem các quy định về phòng cháy chữa cháy có được tuân thủ hay không và ít nhất là tìm ra nguyên nhân vụ cháy. Nhưng sau vụ cháy chỉ thấy lác đác thông tin qua loa. Một số cư dân mạng bình luận: “13 mạng sống không thể đổi lấy một từ khoá nóng (hot search)”, “Nếu truyền thông phải chờ thông báo của nhà chức trách thì truyền thông là gì?”.

Tác giả Bành Viễn Văn chất vấn và chỉ ra một hiện tượng quan trọng khác là trong khi các phương tiện truyền thông vắng bóng tại các nơi xảy ra sự việc và ngày càng ít có tin từ gốc, thì lượng người theo dõi và tầm ảnh hưởng của các tài khoản Weibo cơ quan chức năng ngày càng tăng, cho thấy “quyền lực công đã được mở rộng hơn nữa, khiến phạm vi truyền thông bị thu hẹp lại”.

Trung Quốc đứng áp chót về tự do báo chí

Theo “Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới” do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới công bố vào tháng 5/2023, trong số 180 nước/ vùng lãnh thổ, top 3 nơi tự do nhất là Na Uy, Ireland và Đan Mạch. Trung Quốc đứng thứ hai từ cuối lên, chỉ trên Triều Tiên. Giám đốc điều hành văn phòng Đông Á của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới là Cedric Alviani chỉ ra rằng sự đàn áp và kiểm soát truyền thông trong nước của Trung Quốc đã đạt đến mức cực đoan.

Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế “Ủy ban bảo vệ phóng viên” (CPJ) ngày 18/1/2024 công bố, toàn thế giới có 320 phóng viên bị cầm tù, trong đó Trung Quốc vẫn là nhà tù lớn nhất thế giới với 44 phóng viên bị bắt giữ vào năm ngoái.

Năm ngoái chuyên gia vận động cho văn phòng Đông Á của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới là Aleksandra Bielakowska đã cho hay, ở Trung Quốc hiện có 114 phóng viên đang bị cầm tù, và ngày càng nhiều phóng viên bị giam giữ với cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hoặc lật đổ quyền lực nhà nước; ví dụ như trường hợp phóng viên độc lập Hoàng Tuyết Cầm (Huang Xueqin) bị giam giữ hơn một năm, bị ngược đãi vô nhân đạo và không thể liên lạc được với gia đình. Có thể nói Trung Quốc đã trở thành “nhà tù phóng viên”  lớn nhất thế giới.

Còn đối với Hồng Kông, tự do báo chí vùng lãnh thổ này xếp thứ 140 vào năm 2023, chỉ cao hơn các nước như Somalia, điều này cho thấy Luật An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đàn áp nghiêm trọng quyền tự do báo chí tại đây.

Tiểu Quỳ

Published by
Tiểu Quỳ

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

22 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

29 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

47 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

1 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago