Cột mốc quan trọng trong chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký bản ghi nhớ ngày 22/3/2018, tuyên bố sẽ thu thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trị giá 60 tỷ USD (Đô la Mỹ). Ngày 23/3, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố biện pháp đáp trả bằng cách sẽ thu thuế quan đối với sản phẩm Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc trong đó có cả đậu tương với tổng trị giá 30 tỷ USD.
Ngòi nổ dẫn đến bùng nổ tranh chấp thương mại này là phía Mỹ cho rằng trong quá trình thương mại song phương, Trung Quốc có các hành vi thương mại không công bằng như đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại, cưỡng ép chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp Mỹ. Phía Mỹ dựa vào các hành vi này để khỏi động cuộc điều tra từ tháng 8/2017, và có được kết luận rõ ràng vào tháng 3/2018.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại bùng nổ còn có một khoảng thời gian dài để “lên men”. Năm 2000, sau khi Mỹ lập dự thảo quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc, thương mại Mỹ – Trung bước vào thời kỳ phát triển mới. Năm 2001, Trung Quốc tham gia Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), và thúc đẩy thêm bước nữa quan hệ thương mại Trung – Mỹ.
Cùng với đó, ngày càng có nhiều thương nhân Mỹ lên tiếng chỉ trích cách làm của Trung Quốc, chính phủ Mỹ các nhiệm kỳ đã liên tiếp nhận được các án lệ như luật và chính sách chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Trung Quốc hạn chế đầu tư và hạn ngạch nhập khẩu cho đến những án lệ về phương diện doanh nghiệp nước ngoài bị Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Mỹ cũng đã có nhiều lần tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ đối với Trung Quốc trong thời gian dài.
Để phá vỡ rào cản thương mại của Trung Quốc, cựu Tổng thống Mỹ Obama đã muốn thông qua “Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (tức TPP) để cô lập Trung Quốc, đồng thời khiến cho Trung Quốc phải thay đổi hành vi thương mại không công bằng của mình. Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump nhậm chức, để thực hiện một trong những cam kết khi tranh cử của mình, ông đã rất nhanh chóng rút Mỹ khỏi TPP, đồng thời chỉ thị Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ triển khai điều tra thương mại đối với Trung Quốc.
Trước khi ông Trump tuyên bố thu thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc có trị giá 60 tỷ USD vào ngày 22/3, chính phủ Mỹ đã liên tiếp tuyên bố tăng mức thuế quan hoặc thu thuế quan mang tính trừng phạt đối với sản phẩm của Trung Quốc như máy giặt cỡ lớn, sản phẩm pin năng lượng mặt trời, gang thép và nhôm.
Sau ngày 22/3, các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc từng bước nâng cấp. Tháng 4/2018, Tổng thống Trump yêu cầu tiến hành thu thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc có tổng trị giá 100 tỷ USD. Cùng tháng đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross tuyên bố, cấm hãng điện tử viễn thông lớn của Trung Quốc là ZTE nhập khẩu các linh kiện điện tử từ thị trường Mỹ vì công ty này đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Sau đó, tháng 5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng tuyên bố tăng cường biện pháp kiểm dịch đối với Táo và gỗ nhập khẩu từ Mỹ.
Từ tháng 5 đến tháng 6, quan chức cấp cao chính phủ Mỹ và Trung Quốc cũng tiến hành nhiều chuyến thăm qua lại và đàm phán. Nhưng lập trường của 2 bên lại hoàn toàn khác nhau. Đến tháng 7, sóng gió chiến tranh thương mại Trung – Mỹ lại bắt đầu nổi dậy và có xu hướng trở lên căng thẳng hơn. Ngày 6/7, một phần danh sách thuế quan của Mỹ đối với sản phẩm Trung Quốc chính thức có hiệu lực, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có trị giá 34 tỷ USD sẽ bị thu thuế quan. Trong cùng ngày, danh sách các sản phẩm Mỹ mà phía Trung Quốc áp dụng biện pháp thuế quan cũng bắt đầu có hiệu lực.
Ngày 24/9, Mỹ bắt đầu thu 10% thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc có trị giá 200 tỷ USD, đồng thời tuyên bố từ ngày 1/1/2019 sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25%. Trong cùng ngày, Trung Quốc cũng tuyên bố thu thuế quan đối với sản phẩm Mỹ trị giá 60 tỷ USD, mức thu là 5% hoặc 10%.
Trong thời gian này, Mỹ – Trung vẫn liên lạc và có các cuộc tiếp xúc đối thoại, tuy nhiên không có đàm phán thực chất. Đồng thời, hai nước Trung Quốc và Mỹ lại chỉ trích lẫn nhau, đối trọi với nhau. Trong bài phát biểu hôm 8/10, Phó Tổng thống Mỹ Pence chỉ ra, đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng hàng loạt các thủ đoạn chính sách ngược lại với thương mại tự do và thương mại công bằng, để đặt định cơ sở cho ngành sản xuất của mình, nhưng lại lấy việc hy sinh lợi ích của Mỹ làm cái giá phải trả cho hành vi này. Nhất là việc đảng cộng sản Trung Quốc có ý đồ muốn thông qua kế hoạch “Made in China 2015” để kiểm soát ngành nghề tiên tiến trên thế giới. Ông cho biết, Mỹ sẽ không bị dọa, sẽ không lùi bước. Tháng 9, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố sách trắng “Sự thực và lập trường của Trung Quốc về tranh chấp thương mại Trung – Mỹ”, chỉ ra tự thân Mỹ có các hành vi bóp méo sự cạnh tranh của thị trường, đồng thời Mỹ cũng nhấn mạnh “nước Mỹ trên hết” một cách phiến diện, quốc tế hóa các vấn đề trong nước, chính trị hóa các vấn đề thương mại, làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, cũng làm tổn hại đến lợi ích lâu dài của Mỹ.
Đến ngày 1/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ đã có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị G20, hai bên đã bước đầu đạt được nhận thức chung về vấn đề thương mại Trung – Mỹ, tuyên bố tạm dừng leo thang chiến tranh thương mại, đồng thời sẽ tiến hành đàm phán trong thời hạn 90 ngày. Nếu đàm phán không đạt được thỏa thuận, sẽ khởi động lại chiến tranh thương mại. Theo tiết lộ của quan chức Mỹ sau cuộc hội đàm, Bắc Kinh cam kết sẽ mua sản phẩm của Mỹ với trị giá lên đến 1,2 nghìn tỷ USD, hủy bỏ rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Tuy nhiên trong cùng ngày, bà Mạnh Vãn Châu – Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính của công ty thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc là Huawei đã bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, với lý do lửa đảo nhiều tổ chức tài chính, bà Mạnh có thể sẽ bị dẫn độ tới Mỹ. Việc này khiến cho đàm phán thương mại Trung – Mỹ thêm một nhân tố gây khó.
Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ cũng liên quan đến nước khác. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trở thành một chiến trường khác của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Tháng 7/2018, tại hội nghị thẩm tra về chính sách thương mại của Trung Quốc của WTO, Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đã kêu gọi WTO ứng phó với đe dọa thuế quan của Mỹ đối với thép, nhôm và ô tô. Mỹ cũng tố cáo Trung Quốc lên WTO về việc Trung Quốc thu thuế mang tính trả đũa Mỹ đối với sản phẩm thép và nhôm là vi phạm nguyên tắc của WTO. Mỹ cũng nhiều lần chỉ ra, nguyên tắc của WTO bị Trung Quốc lợi dụng và kêu gọi WTO tiến hành cải cách. Tại hội nghị của WTO, các nước thành viên của tổ chức này bao gồm Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu (EU) cũng đề xuất chú ý đến an ninh mạng và thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Cùng với đó, các nước phương Tây cũng liên tục đứng về phía Mỹ, phản đối hành vi thương mại không công bẳng của Trung Quốc. Tháng 9, Bộ trưởng Mỹ, EU và Nhật Bản đã công bố tuyên bố chung, cách làm phi thị trường hóa của quốc gia thứ 3 (ám chỉ Trung Quốc) đã khiến cho sản xuất dư thừa nghiêm trọng, phá hoại thương mại quốc tế bình thường. Tháng 10 vừa qua, Mỹ, Canada và Mexico đạt được Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới (USMCA), quy định nếu nước thành viên đạt được hiệp định thương mại tự do với “nước có nền kinh tế phi thị trường”, các nước thành viên khác sẽ có quyền rút lui khỏi USMCA, quy định này trong được coi là nhắm vào Trung Quốc.
Dưới áp lực to lớn từ chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu điều chỉnh lại các chính sách. Gần đây Bộ Tài chính Trung Quốc đã phát đi tuyên bố, bắt đầu từ ngày 1/7/2019, sẽ tiến hành thực thi giảm thuế bước thứ 4 đối với 298 danh mục sản phẩm công nghệ thông tin theo nguyên tắc tối huệ quốc. Ủy ban thường ủy Nhân đại toàn quốc Trung Quốc hiện cũng đang xem xét dự thảo về luật đầu tư của nước ngoài, trong đó có quy định doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình đầu tư vào Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc không được lợi dụng thủ đoạn hành chính để cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, biện pháp chế tài thương mại mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc chỉ là một phần trong kế hoạch điều chỉnh sách lược đối với Trung Quốc. Tháng 12/2017, trong “Báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia”, Trung Quốc được định nghĩa là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã thể hiện ra, trong lĩnh vực kinh kế, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đang chuyển từ “tiếp xúc” sang “kìm chế”.
Theo RFA
Xem thêm:
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…