Chiều ngày 18/5, tòa nhà Saige (SEG Plaza) 79 tầng tại Hoa Cường Bắc thành phố Thâm Quyến đột nhiên rung lắc, người dân trong tòa nhà này đã sợ hãi chạy ra khỏi khỏi tòa nhà. Cư dân mạng để lại bình luận trên Weibo rằng tình cảnh chạy thoát khi đó giống như “chạy thoát ngày tận thế”.
Theo truyền thông tại Trung Quốc Đại Lục đưa tin, một đoạn video “Tòa nhà Saige cao nhất khu dân cư Hoa Cường Bắc thành phố Thâm Quyến xảy ra rung lắc” được lan truyền trên mạng. Video cho thấy chiều ngày 18/5, tòa nhà này rung lắc mạnh, nhân viên văn phòng trong tòa nhà thấy vậy đã vội vã chạy thoát ra khỏi hiện trường, cảnh tượng giống như một khung cảnh thảm họa.
Sau đó, Weibo chính thức của Trung tâm Quản lý ứng cứu khẩn cấp Thâm Quyến thông báo, khoảng 1:50 phút chiều ngày 18/5, phòng trực ban của trung tâm đã nhận được thông báo, biết được tòa nhà Saige ở phố Hoa Cường Bắc quận Phúc Điền thành phố Thâm Quyến xảy ra rung lắc. Qua kiểm tra và phân tích dữ liệu tại các trạm quan trắc địa chấn trên toàn thành phố, ngày 18 không xảy ra địa chấn, nguyên nhân tòa nhà Saige bị rung lắc vẫn đang được làm rõ.
Weibo chính thức của Cục Khí tượng thành phố Thâm Quyến cho biết, trạm quan trắc ở quảng trường Saige trên phố Hoa Cường Bắc đo được cấp gió lớn nhất là cấp 5, không được gọi là gió to.
Có cư dân mạng cho biết, khi xảy ra sự việc mặc dù có gió nhưng gió như thế sẽ không khiến tòa nhà bị rung lắc. Cũng có cư dân mạng cho biết, mất 16 phút để chạy từ tầng 50 xuống tầng 1 để thoát ra ngoài.
Cô Từ, một người chạy thoát ra từ tòa nhà Saige cho biết, cô đang làm việc tại tầng 51 của tòa nhà, khi đó là khoảng 12:15 phút trưa thì đồng nghiệp nói “có lắc động”, nhưng các đồng nghiệp khác nói không thấy lắc động rõ ràng. Cho đến khoảng 1:05 chiều, “ghế động đậy tương đối mạnh, mọi người đều cảm giác được”. Thế là cô và các đồng nghiệp vội vã chạy ra khỏi tòa nhà, và phát hiện bên ngoài có rất nhiều người cũng đang chạy thoát ra khỏi tòa nhà.
Khoảng 2:00 chiều, một người của văn phòng quản lý tòa nhà Sai Ke cho biết, người trong tòa nhà về cơ bản đã được di tản xong, chỉ còn lại nhân viên công tác đang kiểm tra xem bên trong còn ai không. Còn về việc tòa nhà vì sao bị rung lắc, vị này cho biết vẫn đang trong quá trình kiểm tra.
Cục Nhà ở và Phát triển đô thị-nông thôn thành phố Thâm Quyến thông báo, kết cấu chính của tòa nhà an toàn, đồng thời nói đã thành lập nhóm chuyên gia đến hiện trường xem xét, nghiên cứu và phân tích. Tòa nhà đã không còn lắc động sau 1:30 phút chiều, hiện không phát hiện dị thường đối với kết cấu chính của tòa nhà và môi trường xung quanh. Còn về nguyên nhân cụ thể gây rung lắc thì vẫn đang trong quá trình điều tra.
Hiện tòa nhà này đã đóng của, người bên ngoài cũng bị cấm không được vào trong. Theo cơ quan phòng cháy chữa cháy Thâm Quyến đưa ra cảnh báo, cơ quan công an đã có mặt, tình hình chi tiết và nguyên nhân cần đợi điều tra rõ.
Theo thông tin từ Weibo chính thức của Trung tâm nghe nhìn thuộc Tập đoàn báo chí Thâm Quyến, nhân viên của toà nhà Saige cho biết, khi đó có khoảng 15.000 người trong tòa nhà, lưu lượng người trong trung tâm thương mại lên đến 20.000 – 30.000 lượt người, khi tòa nhà xảy ra rung lắc, người bên trong phải mất khoảng 40 phút để di tản xong.
Tư liệu công khai cho thất, tòa nhà Saige là tòa nhà cao chọc trời nằm ở phố Hoa Cường Bắc, khu Phúc Điền thành phố Thâm Quyến, do Công ty TNHH Tập đoàn Saige thành phố Thâm Quyến trực tiếp đầu tư xây dựng. Tổng chiều cao của tòa nhà này là 355,8 mét, có tổng cộng 79 tầng, 75 tầng nổi, 4 tầng ngầm. Đây là tòa nhà cao thứ 5 tại Thâm Quyến, cũng là tòa nhà có kết cấu ống thép nhồi bê tông cao nhất thế giới hiện nay.
Hiện tòa nhà này có nhiều văn phòng bán lại, mỗi văn phòng có diện tích 70 mét vuông, giá rao bán là 2,56 triệu tệ (khoảng 9,2 tỷ đồng), giá trung bình là 36.600 tệ mỗi mét vuông (khoảng 131 triệu mỗi mét vuông).
Về việc tòa nhà Saige đột nhiên xuất hiện rung lắc mạnh, kỹ sư trưởng Lục Kiến Tân của Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Trung Khoa (Zhongke Construction Group) đã trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình vệ tinh Thâm Quyến, ông phân tích, nguyên nhân của sự kiện này rất có thể là do gió thổi dẫn đến tòa nhà xảy ra dao động cộng hưởng.
Ông cũng chỉ ra, tình huống lần này tương tự như tình huống cầu Hổ Môn xảy ra lắc động hồi năm ngoái. Hiện tại trong khi chưa xác định rõ được nguyên nhân xảy ra lắc động, chỉ có cách giải thích thế này, cuối cùng vẫn là lấy thông tin của cơ quan chức năng của chính phủ công bố làm chuẩn.
Ngày 5/5/2020, cầu Hổ Môn nối quận Nam Sa của Quảng Châu với trấn Hổ Môn của Đông Hoản xuất hiện rung lắc dị thường, mặt cầu nhấp nhô như sóng. Sau đó cơ quan chức năng Trung Quốc đã gấp rút đóng cửa lưu thông, đồng thời chuyên gia về cầu cũng ra bác tin đồn, nhưng do giải thích của chính quyền không có sức thuyết phục nên sự kiện liên quan từng kinh động đến Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Ngày 6/5/2020, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có đăng bài viết với tiêu đề “Đằng sau tin tức: Hiện tượng ‘rung xoáy’ khiến cầu Hổ Môn lắc động dị thường”, có phân tích cho rằng bài viết về bề mặt là giải thích nguyên nhân gây ra hiện tượng sóng trên cầu, thực tế phản ánh Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đang chú ý đến việc này, ám thị chính quyền địa phương cần điều tra triệt để xem liệu có liên quan đến tham ô tham nhũng không.
https://trithucvn2.net/trung-quoc/video-cau-ho-mon-o-quang-dong-lac-dong-nhu-song-luon.html
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…