Trong khi Trung Quốc vẫn đang phải ứng phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới (COVID-19) thì dường như hiện nay lại đứng trước một nguy cơ khác: “bệnh dịch ngựa châu Phi” (African horse sickness). Bên cạnh đó, lần đầu tiên cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện châu chấu châu Phi tại một khu cảng của nước này.
Hôm 23/4, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã đưa ra thông báo trực tuyến cho biết, kể từ tháng Ba đến nay Thái Lan đã liên tục thông báo cho Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) về sự bùng phát của bệnh dịch ngựa châu Phi tại nước này, trong đó khu bùng phát gần nhất cách biên giới Trung Quốc chưa đầy 800 cây số.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cảnh báo rằng bệnh ngựa châu Phi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua một số côn trùng hút máu; ngoài sốt, phù dưới da và nhiễm virus-huyết (viremia), trong trường hợp nghiêm trọng còn bị triệu chứng chảy máu của các mô và cơ quan nội tạng; loại bệnh này dễ nhiễm vào loài động vật chi ngựa và tỷ lệ tử vong cao tới 95%. Trung Quốc là nước được Tổ chức Thú y Thế giới công nhận không có dịch bệnh ngựa châu Phi, nếu dịch bệnh lan vào thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Theo phân tích của chuyên gia, Trung Quốc đã phát hiện ra côn trùng truyền nhiễm bệnh dịch ngựa châu Phi trong lãnh thổ nước này và nguy cơ bùng phát rất cao đối với động vật thuộc chi ngựa ở Trung Quốc, nhưng giới chức trong nghề có kiến thức hạn chế về bệnh dịch ngựa, nguy cơ phơi nhiễm cao nếu dịch bệnh bùng phát, khi đó hậu quả và mất mát sẽ rất nghiêm trọng.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc yêu cầu các nơi như Quảng Tây, Vân Nam… tổ chức giám sát khẩn cấp, đề nghị Hiệp hội ngựa Trung Quốc thực hiện lấy mẫu và kiểm tra, sau đó gửi thông tin chi tiết và mẫu đến Trung tâm Dịch tễ học và Sức khỏe động vật Trung Quốc (CAHAEC) để thử nghiệm và phân tích.
Không chỉ đứng trước hiểm họa dịch bệnh bệnh ngựa châu Phi, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đang cảnh giác với làn sóng dịch bệnh châu chấu châu Phi (hay châu chấu sa mạc) thứ hai ập đến. Mặc dù làn sóng châu chấu châu Phi trước không xâm nhập vào Trung Quốc, nhưng liệu làn sóng thứ hai này có trở thành mối đe dọa cho Trung Quốc hay không thì chưa biết.
Theo thông báo của Hải quan Thượng Hải vào ngày 23/4, cơ quan chức năng phát hiện một con châu chấu sống trong quá trình kiểm dịch tại chỗ một lô bao bì bằng thép không gỉ chuyển đến từ Tây Á, qua kiểm nghiệm xác định đây là một con châu chấu sa mạc giống đực. Đây là lần đầu tiên phát hiện loại sinh vật có hại này tại khu cảng của Trung Quốc.
Trước đó nhà khoa học Trương Dịch Hoa (Zhang Zehua) thuộc Hệ thống công nghệ thức ăn gia súc quốc gia Trung Quốc và là nhà nghiên cứu tại Viện bảo vệ thực vật của Viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc cho biết, vào tháng Sáu năm nay Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ nguy cơ cao chịu thảm họa châu chấu châu Phi.
Ông chỉ ra rằng có hai tuyến đường chính để đàn châu chấu di cư. Một là tuyến phía bắc xuất phát từ lưu vực sông Indus với gió tây, sau khi vào cao nguyên Tây Tạng chúng đi về phía nam dọc theo rìa cao nguyên Tây Tạng đến Myanmar và các nơi khác, sau đó tùy thuộc vào tình hình gió mùa mà chúng có thể tràn vào Vân Nam, Quảng Tây và thậm chí Quảng Đông. Tuyến còn lại là tuyến phía nam, gió mùa Đông Á bắt nguồn từ Ấn Độ Dương hội tụ với dòng khí ở khu vực phía nam của Biển Đỏ cùng Sừng châu Phi và những cơn gió tây, cuối cùng đến Vân Nam.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…