Ngày 2/4, ông Đường Nhất Quân (Tang Yijun), cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc “ngã ngựa”. Các nhà phân tích cho rằng các nhà tù do Bộ Tư pháp Trung Quốc điều hành là nơi đen tối nhất trong cuộc đàn áp nhân quyền, và việc sa thải các quan chức cấp cao này chính là quả báo.
Ngày 2/4, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Ủy ban Giám sát Quốc gia đưa tin, ông Đường Nhất Quân, Bí thư kiêm chủ tịch Tỉnh ủy Giang Tây thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, “bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, hiện đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia xem xét kỷ luật và giám sát, điều tra.”
Ông Đường Nhất Quân, 63 tuổi, luôn được coi là thành viên của “Đội quân mới Chiết Giang”, tức phe ông Tập Cận Bình.
Ông được điều động làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh và Thống đốc tỉnh Liêu Ninh vào tháng 10/2017, và được thăng cấp Bộ trưởng. Tháng 4/2020, ông giữ chức Bí thư, Bộ trưởng Nhóm Lãnh đạo Đảng Bộ Tư pháp ĐCSTQ, và là thành viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương.
Nhưng tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ năm 2022, ông Đường Nhất Quân đã không có tên trong danh sách Ủy viên Trung ương. Tháng 1/2023, ông bị giáng chức làm Bí thư kiêm Chủ tịch Tỉnh ủy Giang Tây của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Dư luận lúc đó cho rằng việc ông Đường Nhất Quân bị điều chuyển từ thành viên nội các sang chủ tịch Hội nghị Hiệp thương tại địa phương là điều hiếm thấy.
Ngày 2/4, nhân vật truyền thông Bắc Kinh Dương Sơn (bút danh) nói với Epoch Times rằng ông Đường Nhất Quân bắt đầu sự nghiệp của mình ở Chiết Giang, khi Tập Cận Bình còn nắm quyền tại đó. Về cơ bản có thể hiểu rằng ông ấy là thân tín của ông Tập.
Việc ông Đường Nhất Quân bị điều chuyển từ Bộ Tư pháp sang chính quyền địa phương và bị cách chức có thể gây ra tác động mạnh mẽ đến cơ chế quản lý vốn đã bất ổn của ĐCSTQ. “Việc chuyển về làm quan chức địa phương chỉ là kế hoãn binh của ông Tập Cận Bình”.
Ông Dương Sơn cho rằng kỳ thực, số phận của ông Đường Nhất Quân đã minh họa một điều: Làm quan chức ĐCSTQ sẽ mang đến họa sát thân. “Nếu trở thành quan chức của ĐCSTQ, có lẽ bạn sẽ cảm thấy như mình đang ở trên một con tàu cướp biển”.
Luật sư Đại Lục Hoàng Thiên (bút danh) cho biết, trong 2 năm qua, Tập Cận Bình đã bắt giữ nhiều người mà chính ông thăng chức. Có thể là vì sau khi ông Tập thành lập chế độ độc tài của riêng mình, những người không vâng lời hoặc không tích cực hưởng ứng sẽ bị loại trừ.
Vị luật sư này nhận định, chỉ cần ông Tập cảm thấy rằng những người này không đáng tin cậy, họ sẽ bị bắt trong một chiến dịch chống tham nhũng có chọn lọc. Điều này cho thấy, ông Tập không tin tưởng vào chính những người mà ông ấy thăng chức.
Đến nay, 3 bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc đã bị cách chức. Ngoài ông Đường Nhất Quân, còn có bà Ngô Ái Anh (Wu Aiying) và ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua). Ngày 22/9/2022, ông Phó Chính Hoa bị kết án tử hình treo và tù chung thân.
Bộ trưởng Tư pháp hiện tại bà Hạ Vinh (He Rong) đã nhậm chức vào tháng 2/2023.
Luật sư Dương Sơn cho rằng Trung Quốc là chế độ độc tài độc đảng, chỉ mình ông Tập Cận Bình mới là người có tiếng nói cuối cùng. Theo hệ thống này, bề ngoài, Bộ Tư pháp nằm dưới sự kiểm soát của Hội đồng Nhà nước, nhưng thực chất lại nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương.
Ông Hoàng Thiên lại cho rằng cơ quan công an và luật pháp là “con dao” được ĐCSTQ dùng để đàn áp nhân quyền. Bộ tư pháp chủ yếu quản lý các nhà tù, còn sở tư pháp ở nhiều nơi sẽ quản lý các nhà tù ở các tỉnh khác nhau.
Nhà tù là nơi đen tối và thiếu vắng nhân quyền nhất, cũng là nơi mà người dân thuộc mọi tôn giáo và những người bảo vệ nhân quyền bị đàn áp nghiêm trọng nhất.
“Điều đen tối nhất mà mọi người không thể nhìn thấy thực ra chính là nhà tù. Cảnh sát, viện kiểm sát và tư pháp đều hắc ám, nhưng nhà tù do Bộ Tư pháp điều hành mới là nơi đen tối nhất. Họ tẩy não, tra tấn và ép buộc chuyển hóa con người. Nơi ác độc, không có nhân quyền thực ra lại chính là nhà tù.”
Ông Dương Sơn cũng đề cập rằng nơi tham nhũng nhất trong cơ cấu quyền lực của ĐCSTQ cũng chính là nhà tù. Việc quản lý kinh phí của mỗi nhà tù vốn đã rối ren, vấn nạn tham nhũng tại đây còn nghiêm trọng hơn. Nhiều người chiêu đãi khách, tặng quà để được giảm án.
“Nếu chúng ta chỉ nhìn vào những vấn đề họ gặp phải ở cổng tư pháp, thì vấn đề chính phải là nhà tù. Tất nhiên, nhiều người có thể có vấn đề tích tụ trong quá khứ, và cổng tư pháp có thể là nguyên nhân.”
Bộ Tư pháp của ĐCSTQ quản lý các luật sư. Trong nhiều năm, chứng chỉ hành nghề luật sư đã trở thành công cụ được chính quyền này sử dụng để đàn áp các luật sư nhân quyền.
Một lượng lớn các luật sư liên quan đến các vụ án bảo vệ học viên Pháp Luân Công, bảo vệ quyền công dân và những vụ án được coi là nhạy cảm khác đều bị thu hồi giấy phép hành nghề, khiến điều kiện sống của họ rất khó khăn.
Giấy chứng nhận của luật sư Hoàng Thiên cũng bị thu hồi ngay sau khi ông Đường Nhất Quân nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Đường Nhất Quân tại vị từ năm 2020 – 2023, giấy chứng nhận của ông Hoàng Thiên đã bị thu hồi vào năm 2021.
Ông tin rằng kỳ thực ông Đường Nhất Quân chỉ phục vụ trong Bộ Tư pháp 2 hoặc 3 năm và không có nhiều mối quan hệ. Ông ấy được ông Tập Cận Bình thăng chức từ tỉnh Liêu Ninh. Bản thân Nhà tù Mã Tam Gia của tỉnh Liêu Ninh và Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh đều là những nơi vô cùng đen tối.
“Vì vậy, điều này (việc ông ấy ngã ngựa) cũng là quả báo và sự tích tụ tham nhũng trước đó”, ông nói.
Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ ngày 29/4/2020 đến tháng 2/2023, ông Đường Nhất Quân đã sửa đổi “Quy định về đánh giá điểm tù đối với công tác hình sự”, nhằm thúc đẩy các nhà tù tăng cường đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Tháng 7/2022, ông Đường Nhất Quân đã bị các học viên Pháp Luân Công ở 38 quốc gia trên thế giới tố cáo.
Gần 12 năm bà Ngô Ái Anh nắm quyền điều hành Bộ Tư pháp cũng là giai đoạn mà hệ thống nhà tù và hệ thống trại lao động thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp bức hại các học viên Pháp Luân Công vô cùng nghiêm trọng. Ngày 20/7/2021, các học viên Pháp Luân Công ở 37 quốc gia đã tố cáo với chính phủ nước họ, và yêu cầu trừng phạt người phụ nữ này.
Ông Phó Chính Hoa được người dân gọi là “quan tàn ác”. Ông ta đã bị các học viên Pháp Luân Công tố cáo tới 29 quốc gia, vì tội thúc đẩy đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Ông Phó Chính Hoa cũng có tên trong danh sách của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Luật sư Hoàng Thiên cho biết, khi còn đương chức, mọi người đã đoán trước rằng sớm muộn gì cũng sẽ có chuyện xảy ra với ông Phó Chính Hoa. Bởi những quan chức độc ác từ xa xưa đều không có kết cục tốt đẹp.
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Bình Minh (t/h)
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…