Ngày 12/3, ông Nhậm Chí Cường, “thế hệ đỏ thứ 2”, đã bị cơ quan hữu quan của Bắc Kinh lập án điều tra. Nội tình sau khi ông bị bắt lần lượt được truyền đi. Có thông tin mới nhất chỉ ra rằng ông bị giam tại căn cứ địa Mãnh Sơn, Xương Bình, trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh, ông đã bắt đầu tuyệt thực ngày thứ 2. Được biết, cơ quan này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở một cuộc điều tra về ông Nhậm Chí Cường.
Ông Nhậm Chí Cường, một doanh nhân về bất động sản Trung Quốc, từng nhiều lần thẳng thắn chỉ trích ĐCSTQ. Tháng này ông lại tiếp tục đả kích chính quyền Bắc Kinh che giấu sự thực về tình hình dịch bệnh trong một bài gai góc. Đồng thời ông đã phê bình ông Tập Cận Bình về bài phát biểu chung chung liên quan tới tình hình dịch viêm phổi Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19) vào ngày 23/2 trong cuộc họp qua truyền hình với 170.000 người tham dự (theo lời ông Tập nói). Nhiều bạn bè của ông Nhậm đã xác thực rằng ngày 12/3, ông bị chính quyền bắt đi. Sáng thứ Năm tuần này (26/3), nhà văn bất đồng chính kiến Lão Đăng trên tài khoản Twitter “@laodeng89” (Lão Đăng – ngọn đèn cũ) nói rằng ông Nhậm đang bị giam tại căn cứ địa Mãnh Sơn, Xương Bình, trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh, ông đã bắt đầu tuyệt thực ngày thứ 2.
Trước đó, tiến sĩ Hàn Liên Triều (Han Lianchao) – nghiên cứu sinh trao đổi tại Viện Hudson (Mỹ), hôm 17/3 đã tweet cho biết ĐCSTQ cảnh báo nội bộ rằng vụ án của ông Nhậm Chí Cường là một vụ án lớn của Ủy ban An ninh Quốc gia, vì vậy không ai được hỏi thăm hay can thiệp. Dòng tweet còn cho biết vài ngày qua, giới quản lý mạng internet của ĐCSTQ đã liên tục phong tỏa kiểm duyệt tên “Nhậm Chí Cường”.
Ngày 26/3 Đài Á Châu Tự Do đã dẫn lời hai người thạo tin nhưng không muốn công khai danh tính, xác thực rằng trong giai đoạn hiện nay, ông Nhậm Chí Cường đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh lập hồ sơ điều tra.
Ông Nhậm Chí Cường năm nay 69 tuổi, là đảng viên ĐCSTQ. Ông từng là cựu chủ tịch Tập đoàn Huayuan (Hoa Viễn), một doanh nghiệp nhà nước lớn ở Bắc Kinh. Theo tiết lộ của người thạo tin, hiện nay chính quyền bảo mật cao độ về vụ án của ông, ngoại giới rất khó có được thông tin.
Ngày 25/3, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) từng dẫn lời một người cung cấp thông tin nặc danh nói rằng, ban đầu ông Nhậm Chí Cường chia sẻ bài viết chỉ trích ông Tập Cận Bình trong một nhóm nhỏ, gồm các nhà doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường. Sau này có người lan truyền tin ra bên ngoài. “Tất cả mọi người đều đến hỏi ông, có phải là ông đã viết không? Ông dám làm dám chịu, nói rằng là tôi viết, và dẫn tới một loạt những chuyện sau này.”
Người cung cấp thông tin này tiết lộ, con trai cả của ông Nhậm là bí thư cũng bị bắt. Em gái và người nhà của ông đều bị liên đới. “Bất kỳ ai cũng không được phép nhúng tay vào, không được phép can thiệp, không thể cầu cạnh, có thể cũng bao gồm cả Vương Kỳ Sơn trong đó,” nguồn tin cho hay.
Ông Vương Kỳ Sơn, Phó Thủ tướng Trung Quốc, từng là phụ đạo viên thời Trung học của ông Nhậm Chí Cường, hai người có mối quan hệ rất mật thiết. Một quan sát viên về chính trị Bắc Kinh lưu ý rằng, đã hơn 1 tháng qua ông Vương chưa lộ diện. Điều này khiến vụ án ông Nhậm trở nên vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, quan sát viên Bắc Kinh cho biết, ông Vương Kỳ Sơn vốn là cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Ương ĐCSTQ, xét về lý, ông không nên bị liên lụy bởi vụ án này, do đó ông Vương Kỳ Sơn sẽ không can thiệp quá nhiều vào vụ án này.
Tháng 2/2016, ông Nhậm Chí Cường cũng từng công khai chỉ trích biểu ngữ “CCTV mang họ Đảng”. Ông bị giới chức phản đối, cuối cùng bị kỷ luật và điều tra một năm. Ngoại giới đồn rằng nhờ ông Vương Kỳ Sơn ra mặt nói đỡ nên vụ án này mới được khép lại nhẹ nhàng.
Ông Dương Thiệu Chính, giáo sư kinh tế học Đại học Quý Châu, người từng bị khai trừ vì đăng một bài viết chỉ trích ĐCSTQ nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, ông Nhậm Chí Cường là một doanh nhân nổi tiếng, cũng là một công dân trong xã hội, ông có quyền tự do phát biểu ngôn luận: “Là một công dân trong xã hội, ông có quyền tự do ngôn luận, được hiến pháp bảo hộ. Tức là ông Nhậm có quyền phản đối những sai lầm của ĐCSTQ, có quyền phản đối sai lầm của lãnh đạo ĐCSTQ. Nếu vì nói những lời phản đối sai lầm của ĐCSTQ, nói những lời phản đối sai lầm của lãnh đạo ĐCSTQ mà ông bị buộc phải mất tích, thì đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng.”
Minh Tú
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…